Đề xuất rà soát các quy định quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai

Chiều 7/1, tại tỉnh Bình Dương, Đoàn Giám sát của Quốc hội do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát, Trưởng Đoàn công tác, và các thành viên đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Dương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Sau khi nghe báo cáo của tỉnh và ý kiến đóng góp của các thành viên trong Đoàn công tác, giải trình của các sở, ngành tỉnh Bình Dương, ông Vũ Hồng Thanh ghi nhận nội dung báo cáo, các ý kiến của các sở, ngành địa phương, đồng thời yêu cầu trong quá trình triển khai các quy định pháp luật liên quan đến quản lý sử dụng đất cần báo cáo Quốc hội để nhanh chóng có giải pháp khắc phục.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu.

Ông Vũ Hồng Thành lưu ý, liên quan đến quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, việc chậm trễ triển khai các quy hoạch, dự án gây ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến người dân và doanh nghiệp. Do đó, địa phương cần rút kinh nghiệm và sớm báo cáo để hạn chế những vướng mắc, khó khăn, đảm bảo tính đồng bộ giữa các quy hoạch. Về những đề xuất kiến nghị của tỉnh Bình Dương, Đoàn công tác sẽ tổng hợp trong báo cáo chung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo thẩm quyền.

Tại buổi làm việc, tỉnh Bình Dương kiến nghị Đoàn Giám sát của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xem xét và có ý kiến chỉ đạo hướng dẫn và rà soát lại các quy định pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng để tránh sự chồng chéo giữa các luật, nghị định, thông tư.

Tỉnh kiến nghị Đoàn công tác xem xét và có ý kiến chỉ đạo thực hiện nội dung về nguyên tắc đồng thuận đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Luật Đất đai năm 2013 không thể hiện rõ quan điểm lựa chọn nguyên tắc đồng thuận nào không lấy ý kiến đóng góp của người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Tỉnh cũng đưa ra một số kiến nghị khác có liên quan, trong đó có kiến nghị về chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền dự án khu dân cư, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, để đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc triển khai thực hiện ngay sau khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo ngành tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng rà soát quy định Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai theo thẩm quyền được giao. Từ ngày 1/7/2014 đến nay, tỉnh đã ban hành 31 văn bản quy phạm pháp luật, 20 văn bản hướng dẫn chi tiết, hiện tại còn 2 văn bản quy phạm pháp luật đang thực hiện công khai để tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trước khi ký ban hành.

Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật Tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo soạn thảo, ban hành và rà soát, hệ thống hóa văn bản tại địa phương, bước đầu đáp ứng yêu cầu phục vụ chỉ đạo, điều hành ở địa phương và đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật. 

Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh được thực hiện đảm bảo tiến độ, quy trình theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh và cấp huyện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan chức năng đã tổ chức công bố, công khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc theo quy định.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng phát biểu tại buổi làm việc. 

Việc lập Quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm được địa phương công bố, công khai lấy ý kiến nhân dân bằng các hình thức như thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc hội nghị, họp lấy ý kiến công khai. 

Hiện nay Bình Dương đã lập bản đồ địa chính cho toàn bộ 91/91 xã, phường, thị trấn với tổng diện tích 269.464 ha. Hệ thống mốc địa chính cơ sở hạng III 145 điểm được khôi phục, di dời và đưa vào sử dụng. 

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giao đất, cho thuê đất đối với 12.136 trường hợp là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích 3.928,43 ha, trong đó giao đất 11.586 trường hợp với diện tích 1.906 ha, cho thuê đất 550 trường hợp với diện tích 2.022,43 ha.

Từ ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, tỉnh đã thực hiện thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội (theo quy hoạch – kế hoạch sử dụng đất) đối với 10.884 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức với tổng diện tích đất thu hồi là 3.045,47 ha. 

Tính lũy kế đến nay công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên toàn tỉnh đạt tỷ lệ 99,81%, tương ứng 243.227,14 ha.

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Việt (TTXVN)
Thành lập 2 Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thành lập 2 Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về việc thành lập 2 Đoàn giám sát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN