Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao Ban soạn thảo đã cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu trong các lần góp ý Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) trước đó và tiếp tục đóng góp ý kiến về một số nội dung chưa thống nhất tại Dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý được đưa ra xin ý kiến lần này.
Thượng tá Lê Đức Hạnh, Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung thêm nội dung “bảo vệ trẻ em” vào cuối khoản 1, Điều 25 thành “Dịch vụ viễn thông khẩn cấp là dịch vụ gọi đến các số liên lạc khẩn cấp của cơ quan công an, cứu hỏa, cấp cứu và bảo vệ trẻ em”, vì Tổng đài khẩn cấp 111 đã được bổ sung cung cấp dịch vụ cuộc gọi khẩn cấp miễn phí hỗ trợ bảo vệ trẻ em. Việc bổ sung đối tượng trẻ em vào quy định của luật để đảm bảo yêu cầu thực tế, thể hiện tính nhân văn và tinh thần bảo vệ thế hệ tương lai.
Cũng về nội dung Điều 25, ông Phạm Duy Anh, Công ty Cổ phần Di động Vietnammobile đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 3 quy định “miễn giá cước cuộc gọi đến các dịch vụ khẩn cấp cho người sử dụng dịch vụ điện thoại cố định nội hạt”. Theo ông Phạm Duy Anh, hiện nay, việc sử dụng điện thoại cố định là không phổ biến, thậm chí là khá ít, người dân sử dụng điện thoại di động là chủ yếu; việc bổ sung, mở rộng miễn giá cước cho các loại hình dịch vụ điện thoại đảm bảo đúng giá trị nội dung cuộc gọi khẩn cấp.
Trong khi đó, ông Phan Trần Hữu Khương, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Mobifone khu vực 2 đề nghị cần làm rõ hơn định nghĩa về “mạng di động ảo” (MVNO); đề nghị quy định cụ thể khái niệm các mô hình MVNO, việc điều chỉnh, thay đổi giấy phép liên quan tới việc thay đổi mô hình MVNO khi thay đổi nhà mạng… Ngoài ra, đề nghị bổ sung điều kiện doanh nghiệp kết nối trong thực hiện mua bán buôn của doanh nghiệp viễn thông phải đảm bảo yêu cầu về pháp lý, đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực hệ thống kinh doanh, kỹ thuật; trên thực tế, nếu doanh nghiệp không đảm bảo về kinh doanh, kỹ thuật khi kết nối có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống của doanh nghiệp viễn thông.
Đại diện Mobifone khu vực 2 đề nghị, bên cạnh việc cho phép sở dụng tài khoản SIM thuê bao di động được thanh toán cho dịch vụ viễn thông di động và dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động hợp pháp (khoản 3, Điều 61 của Dự thảo Luật), nên cho phép sử dụng tài khoản SIM thuê bao di động được chi trả cho dịch vụ ứng dụng viễn thông.
Bà Vũ Ngọc Anh, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần tiếp tục duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam vì phù hợp với chính sách chuyển đổi số, các nước khác vẫn có quỹ này. Hoạt động của Quỹ trong những năm qua đạt được một số thành tựu nhất định, phục vụ nhu cầu phát triển dịch vụ viễn thông ở những vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, nếu như ghi nhận xu hướng hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin cũng như tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số thì nên đặt công cụ chính sách Quỹ ở tầm rộng vóc lớn hơn, không giới hạn trong khuôn khổ của Luật Viễn thông.
Bà Vũ Ngọc Anh dẫn điều Điều 64 của Dự thảo quy định UBND cấp có thẩm quyền, trách nhiệm giao đất và hỗ trợ chủ đầu tư dự án, việc xây dựng công trình viễn thông vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn và đề nghị cần làm rõ hơn, cụ thể hơn việc xác định, phạm vi của công trình viễn thông với khái niệm hiện hành “công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia hoặc được sử dụng làm điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng trên địa bàn”.
Quan tâm đến việc ngầm hóa cáp viễn thông, ông Trần Quang Triệu, Phó trưởng phòng Pháp chế, Sở Giao thông Vận tải cho rằng, tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội hiện nay một số địa bàn đã thực hiện ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông nhưng nhiều nơi vẫn còn dùng cùng cáp treo điện lực. Việc đầu tư cho hai thành phố lớn ngầm hóa hệ thống viễn thông để tương thích với Luật Giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị cũng như góp phần quản lý chặt chẽ lòng đường, vỉa hè. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo xem xét đưa nội dung này vào Dự thảo Luật để đảm bảo mỹ quan và tính hiện đại cho các đô thị lớn.