Để thật sự là công bộc của dân

Tình trạng cán bộ, công chức suy thoái không làm tròn nhiệm vụ, nhũng nhiễu, tiêu cực; vấn đề chạy chỉ tiêu biên chế, chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ hiện nay là những vấn đề “nóng” nhất được các đại biểu đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trong phiên chất vấn ngày 20/11.


Bao nhiêu cán bộ không làm được việc?


Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Danh Út (Kiên Giang), Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói rõ thực hư chuyện dư luận cho rằng, có khoảng 30% cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy Nhà nước không làm được việc. “Lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước nói rằng cử tri cho rằng 30% không làm được việc. 30% tương đương 700.000 cán bộ, công chức và số tiền chi một năm là 17.000 tỷ đồng. Nếu giải quyết được vấn đề này chúng ta sẽ tiết kiệm được 17.000 tỷ đồng”, đại biểu Chu Sơn Hà nhấn mạnh.


 

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, trong cuộc họp tổng kết ngành nội vụ năm 2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến nói: “Có dư luận cho rằng mấy chục phần trăm đó như thế nào”. Thực tế, đó không phải là ý kiến của Phó Thủ tướng. Hôm qua (19/11), trước khi đi nước ngoài, Phó Thủ tướng có nói, nếu đại biểu hỏi thì thông báo như vậy. Quan điểm của Bộ Nội vụ về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, đây là những phản ánh, kiến nghị, đòi hỏi, mong muốn cần phải có đổi mới, cải cách công vụ công chức. Phải có các biện pháp mang tính chất tương đối toàn diện, đồng bộ để tổ chức thực hiện. Chính phủ đã ban hành nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, trong đó có những nội dung có liên quan đến tổ chức bộ máy, liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức. Năm 2012, Thủ tướng ban hành Quyết định 1557 phê duyệt đề án về cải cách công vụ công chức từ nay đến năm 2015.


Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng nêu ra một số giải pháp trước Quốc hội, trong đó cần phải tập trung hoàn thiện tổ chức tinh gọn bộ máy. Thứ hai là tập trung mô tả công việc, xác định vị trí việc làm trong từng cơ quan, để trên cơ sở đó định ra số công chức làm việc trong các cơ quan hành chính, số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, phải bổ sung, hoàn thiện chuyển ngạch đối với công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức. Ngoài ra, phải hoàn thiện, bổ sung tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm và phương pháp đánh giá.


Bộ trưởng cũng khẳng định con số cụ thể là bao nhiêu thì không có cơ sở, nhưng sẽ có giải pháp tương đối toàn diện, tổng hợp. Đến thời điểm nhất định có thể tạo được tiếng nói chung về tỷ lệ này. Bộ trưởng cũng thừa nhận, việc đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu.


Chống chạy chức, chạy quyền


Xung quanh câu hỏi của một số đại biểu liên quan tới việc có dấu hiệu tham nhũng, chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng, nghị quyết của Đảng cũng có đánh giá thực trạng về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong đó có tham nhũng, có tiêu cực. Để giải quyết vấn đề này, phải tập trung đề ra các biện pháp, giải pháp để phòng, chống tiêu cực, phòng, chống tham nhũng nói chung. Đặc biệt là phòng, chống tiêu cực tham nhũng trong công tác tổ chức, cán bộ, khen thưởng thuộc lĩnh vực của Bộ Nội vụ. Bộ dự kiến sẽ trình Chính phủ xây dựng nghị định về phòng, chống tiêu cực trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ và thi đua, khen thưởng.


Đại biểu Trương Thị Ánh (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác đề nghị có cơ chế chính sách để tạo sự đột phá mới, góp phần xây dựng nền hành chính lành mạnh, hết lòng phục vụ nhân dân.


Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng, giải pháp để kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước là việc rất lớn, rất rộng. Bộ trưởng nêu 5 giải pháp, trong đó trọng tâm của khâu đột phá là phải tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện, thực thi công vụ theo quy định nhiệm vụ được phân công.


Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức từ nay đến năm 2015. Bộ trưởng nhấn mạnh phải thực hiện một cách toàn diện và đồng bộ từ cải cách về thể chế, cải cách về thủ tục hành chính, cải cách về tổ chức bộ máy xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính.


Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, quản lý thống nhất thông suốt, tinh gọn, hợp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các cơ quan nhà nước, khắc phục tình trạng buông lỏng trên một số lĩnh vực; hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền cấp tỉnh; điều chỉnh chức năng nhiệm vụ của HĐND, UBND xã, phường, thị trấn cho phù hợp. Ngoài ra, tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với tăng cường chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động sự nghiệp.


Phi Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN