Video Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ:
Liên tiếp trong tháng 6, Hà Nội đã xảy ra hai vụ cháy thương tâm, khiến dư luận quan tâm, đau lòng...
Vâng, mỗi khi có một vụ cháy xảy ra ở nhà dân, tôi đều cảm thấy đau buồn, bởi cháy thường đi liền với thiệt hại về người. Dư luận còn chưa hết bàng hoàng với những vụ cháy gần đây, các vụ cháy vẫn tiếp tục xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng. Sự việc xảy ra ngay trong bối cảnh Hà Nội đang rà soát các phương án khắc phục... là điều đáng quan ngại.
Trong lúc chờ sự hoàn thiện những quy định về luật, giải pháp trước mắt cấn làm gì để ngăn ngừa những vụ cháy, thưa bà?
Các vụ cháy gần đây thường xảy ra ở các chung cư mini, các khu nhà trọ, chưa đảm bảo điều kiện sống tối thiểu và các quy định phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất dễ xảy ra cháy. Thực tế, ở các đô thị Việt Nam, hầu hết mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rấtlớn, nhất là kinh doanh các mặt hàng dễ cháy.
Điều nguy hiểm là, hết ngày làm việc, người thuê sẽ về, chủ nhà không kiểm tra. Khi xảy ra cháy ở tầng 1 (tầng cho thuê kinh doanh), lửa sẽ bốc lên, những người sinh sống ở tầng trên gần như không có chỗ thoát thân...
Giải pháp cấp bách trước mắt là cần rà soát các mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh, bắt buộc tiêu chí về phòng cháy, chữa cháy. Cùng với đó, cần nâng cao ý thức người dân. Đây là giải pháp quan trọng. Dù có bao nhiêu quy định, hạ tầng dù tốt, nhưng người dân không chấp hành, cháy vẫn có thể xảy ra. Không xử lý rốt ráo trách nhiệm sẽ không hiệu quả.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy trách nhiệm, đặc biệt của chính quyền địa phương khi để xảy ra liên tiếp những vụ cháy. Bà nghĩ như thế nào về quan điểm này?
Thời gian qua, sau khi xảy ra vụ cháy ở chung cư mini, các cơ quan chức năng đã và đang tích cực rà soát các cơ sở kinh doanh, nhà dân đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy. Nguyên nhân chủ yếu là do các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy không đảm bảo tiêu chuẩn, nhà không có lối thoát hiểm... Vì vậy, phải rà soát nguyên nhân là do chính quyền địa phương đang buông lỏng quản lý. Bởi tất cả các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy hiện nay đều giao cho chính quyền địa phương, từ cấp phép xây dựng đến thẩm định các điều kiện…
Để những cơ sở chưa đủ điều kiện hoạt động thì trách nhiệm của chính quyền địa phương ra sao, thưa bà?
Vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân (Hà Nội) khiến 56 người thiệt mạng năm ngoái là do xây dựng sai phép. Như vậy chính quyền địa phương liệu có biết hay không hay là biết nhưng làm ngơ?
Điều quan trọng là cùng với quy trách nhiệm, phải xử lý rốt ráo, chứ không phải chỉ do xây dựng sai phép. Nếu địa phương không quyết liệt trong quản lý, rà soát thẩm định, chỉ tuyên truyền thì mọi việc lại như cũ. Đến thời điểm này, chưa có một cán bộ chính quyền cơ sở nào đứng ra nhận trách nhiệm trong việc liên tiếp để xảy ra các vụ cháy.
Nên chăng, cán bộ phải chịu trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra những vụ việc tương tự, thưa bà?
Trong những năm gần đây, báo cáo của Chính phủ thường nhắc đến vấn đề này, nhưng dường như chưa có một liều thuốc thực sự hữu hiệu để khắc phục. Theo tôi nguyên nhân nằm ở việc đánh giá cán bộ, công chức. Mỗi đảng viên, công chức, viên chức cần xem lại cách đánh giá công tâm. Tất cả các quy định đã có, chặt chẽ, không hoàn thành nhiệm vụ cần phải nghỉ việc... Để khắc phục cần phải thực hiện nghiêm việc này.
Trân trọng cảm ơn bà!