Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã chủ động, sáng tạo trong áp dụng linh hoạt biện pháp chống dịch tại Nghị quyết 30, trên cơ sở bám sát thực tiễn, nhận định, dự báo tình hình dịch và dựa vào khoa học.
Đặc biệt, Chính phủ đã thực hiện thành công chiến lược vaccine xác định "vaccine là vũ khí quan trọng", ngay cả trước khi Nghị quyết 30 của Quốc hội ra đời, Chính phủ đã kiên quyết chỉ đạo, bằng mọi khả năng để tiếp cận được với vaccine sớm nhất, nhanh nhất, phương châm “vaccine tốt nhất là vắc xin được tiếp cận sớm nhất”.
Chính phủ cũng đã có các quyết sách chuyển hướng chiến lược phù hợp với từng thời kỳ diễn biến dịch bệnh. Đến nay, Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Được biết, Bộ Y tế đã cấp 164 sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách, gồm 9 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu. Tính đến ngày 22/9/2022, có hơn 682.360 lượt tổ chức, cá nhân ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng COVID-19, tổng số huy động của Quỹ là gần 10.540 tỉ đồng.
Đến tháng 8/2022, thông qua công tác ngoại giao, Việt Nam đã vận động được viện trợ nước ngoài gần 120 triệu liều vaccine, tiết kiệm khoảng 20.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước... Riêng trong năm 2021, số kinh phí thực tế Bộ Y tế mua vaccine là hơn 15.070 tỷ đồng, trong đó từ Quỹ vaccine là gần 7.670 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước hơn 7.400 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số biện pháp cho đến hết 31/12/2023 nhằm “tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp”.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám, chữa bệnh, thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 đang hoạt động được phép tiếp tục hoạt động theo yêu cầu thực tiễn. Cho phép sử dụng các quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đã thành lập đồng thời là giấy phép hoạt động.
Cùng với đó, cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế; chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh được tiếp tục áp dụng để bảo đảm ổn định quyền lợi của người bệnh.
Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn, hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Chính phủ...