Trình bày tóm tắt tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, căn cứ nội dung Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 3307/TB-TTKQH ngày 18/1/2024 của Tổng thư ký Quốc hội; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 12/5/2024 về đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng và Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 1/8/2024 về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng (dự thảo Nghị định).
Theo đó, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ thống nhất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến về nội dung dự thảo Nghị định.
Việc xây dựng dự thảo Nghị định nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị máy móc; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng. Đảm bảo tính thống nhất đồng bộ trong tổ chức thực hiện pháp luật về Luật pháp Ngân sách nhà nước; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Xây dựng và pháp luật khác có liên quan đối với việc bố trí và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng...
Trình bày tóm tắt báo cáo ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Chính phủ ban hành Nghị định để quy định "vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội".
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất với ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật và cho rằng, đây là vấn đề đã được luật điều chỉnh và dự thảo Nghị định của Chính phủ không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên không có cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị định.
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, nội dung dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng không thuộc thẩm quyền cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nội dung Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng, không thuộc trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải cho ý kiến quy định tại khoản 3, Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và các văn bản liên quan để xem xét, quyết định việc ban hành Nghị định theo thẩm quyền. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao với 2 nội dung nêu trên.