Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc tập trung xây dựng, hoàn thiện các chính sách đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình. UBND tỉnh, thành phố tập trung giải ngân nguồn vốn. Các cấp, ngành tăng cường phân cấp, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cụ thể, tăng tính hiệu quả trong thực hiện Chương trình.
Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh yêu cầu các địa phương thực hiện quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư. Măc dù tổng số đối tượng, nguồn vốn, dành cho Chương trình ở khu vực phía Nam chiếm tỷ lệ nhỏ hơn so với khu vực khác trong cả nước, nhưng tỷ lệ giải ngân lại không cao, thậm chí có địa phương còn chưa giải ngân. Để Chương trình đạt được mục tiêu đề ra, Quốc hội cho phép Chính phủ rà soát, điều chỉnh, đồng thời xác định những điểm yếu và đòi hỏi thực tế, thiết kế một Chương trình phù hợp hơn cho giai đoạn 2026 - 2030, để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thụ hưởng chính sách phù hợp…
Để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh Cà Mau đã đề xuất với Chính phủ ban hành cơ chế ưu tiên về định mức hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương cho các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (cao hơn khoảng 1,5 - 2 lần so với định mức chung của Chương trình), nhằm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa phương vùng dân tộc thiểu số. Từ đó, suất đầu tư thực tế của vùng phù hợp hơn và giúp các tỉnh có thêm nguồn lực hỗ trợ đầu tư được nhiều công trình hạ tầng tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết, tỉnh phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt trên 90%, đồng thời tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương, các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để bổ sung nguồn lực cho việc triển khai Chương trình. Địa phương chú trọng lồng ghép sử dụng tốt nguồn lực từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hỗ trợ các chính sách; huy động các nguồn lực để tập trung thực hiện kế hoạch, các dự án thành phần hiệu quả thiết thực.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc, địa phương phấn đấu đến năm 2025 có 90% đường giao thông khóm, ấp được cứng hóa; 99% số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 100% người dân tộc thiểu số sử dụng các dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin và phương tiện nghe, nhìn; giải quyết trên 90% tình trạng thiếu đất ở, nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 2021 - 2025, Sóc Trăng tập trung đầu tư gần 800 tỷ đồng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, thiết chế xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer. Từ nguồn vốn này, tỉnh dự kiến tập trung đầu tư, hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho gần 4.500 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn. Địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống người dân; đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Để đạt được điều này, Sóc Trăng tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn, chợ phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn và công trình cơ sở hạ tầng các địa phương đã đầu tư từ giai đoạn trước, tạo điều kiện cho vùng dân tộc thiểu số giao thương thuận lợi, phát triển kinh tế.
Tỉnh đã kiến nghị Ủy ban Dân tộc xem xét, đề xuất chuyển nguồn vốn phân bổ cho Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất sang nguồn vốn sự nghiệp. Riêng nguồn vốn đã phân bổ cho Dự án 1, địa phương kiến nghị xem xét chuyển nguồn bổ sung cho Dự án 4 (đầu tư cơ sở hạ tầng) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét đối với các xã khu vực III được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được đầu tư 1 năm tiếp theo, tạo điều kiện hỗ trợ cho các xã nâng cấp, xây dựng và hoàn thiện một số công trình cơ sở hạ tầng…
Năm 2023, Trà Vinh bố trí tổng nguồn vốn gần 626 tỷ đồng để thực hiện các dự án nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, chủ yếu là dân tộc Khmer. Tỉnh xây dựng mới gần 60 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện 16 công trình chuyển tiếp của năm 2022; duy tu, bảo dưỡng khoảng 40 công trình; đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 6 công trình chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Địa phương đã triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình hỏa táng hiện đại, tập trung cho đồng bào dân tộc Khmer tại huyện Trà Cú (khi Trung ương phân bổ vốn); tiếp tục triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Iceland.
Hoàn thiện chính sách và phối hợp quản lý
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, các bộ, cơ quan chủ trì, quản lý, theo dõi các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao kịp thời và khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn thực hiện Chương trình đồng bộ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương; đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động của Chương trình.
UBND cấp tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện phân bổ chi tiết kinh phí vốn đầu tư phát triển và sự nghiệp kế hoạch hàng năm cho các đơn vị đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ theo quy định; thực hiện việc rà soát, giao chỉ tiêu kế hoạch về số xã, thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2025. Chính sách hỗ trợ đối với hộ vừa thoát nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời được nghiên cứu, xây dựng, ban hành, nhằm bảo đảm thoát nghèo bền vững.
Ông Hầu A Lềnh cho biết, Chính phủ sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương; tăng cường phân cấp, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm, quyền hạn cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động hỗ trợ, đầu tư của Chương trình.
Các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình tại địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp rà soát khó khăn, vướng mắc, tồn tại theo phản ánh từ cấp cơ sở, chủ đầu tư để tham mưu các cấp, ngành giải quyết, tháo gỡ theo quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kinh phí được giao và hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình đề ra.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry, Chính phủ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trong suốt quá trình triển khai Chương trình từ khi chuẩn bị đến thực hiện dự án, đảm bảo các dự án thực hiện đúng mục tiêu; kịp thời giải quyết, xử lý, khắc phục những hạn chế, sai sót, vướng mắc trong quá trình thực hiện; có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; đôn đốc, kịp thời có phương án đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.
Bà Trần Thị Hoa Ry đề nghị, Chính phủ tăng cường vai trò và sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp trong thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội trong quá trình thực hiện Chương trình; đồng thời, phát huy và thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong thực hiện các công trình, mô hình cụ thể; đẩy mạnh việc phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát Chương trình; bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định pháp luật trong quản lý, tổ chức thực hiện…