Dồn dập tin chiến thắng
Trong trận đánh chiếm Dinh Độc lập, các phóng viên Tổ mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã gồm Vũ Tạo, Đinh Quang Thành, Hứa Kiểm, Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm, lái xe Ngô Bình, điện báo viên Lê Thái bám sát Quân đoàn 2 tiến vào dinh lũy cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn. Cùng với mũi thọc sâu của Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203, Tổ mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã là những người có mặt sớm nhất tại Dinh Độc lập ngay trưa 30/4/1975 và có những tư liệu đầu tiên và chân thực, mang tính lịch sử về sự kiện này.
Trong những tin, bài, ảnh đó có bài tường thuật đầu tiên về Sài Gòn giải phóng của Phóng viên Trần Mai Hạnh và những hình ảnh đầu tiên của Phóng viên ảnh Văn Bảo được truyền qua căn cứ Thông tấn xã Giải phóng ở Tây Ninh ra Hà Nội trong đêm 30/4/1975. Tại Hà Nội, trưa 30/4/1975, Tổng xã nhận được tin điện báo của Tổ mũi nhọn theo Sư đoàn 304 và thông tin nghe được từ Đài Sài Gòn phát đi lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh và kêu gọi các lực lượng quân sự còn lại của Chính quyền Sài Gòn đầu hàng, cùng với tin của các hãng Reuters, UPI… mô tả xe tăng Quân Giải phóng đã tiến vào và húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập; các chiến sĩ Quân Giải phóng cắm cờ trên nóc Dinh; toàn bộ Nội các của Chính quyền Dương Văn Minh đã bị bắt sống; Quân Giải phóng đã làm chủ hoàn toàn thành phố Sài Gòn; người dân Sài Gòn đổ ra đường phố đón chào các chiến sĩ Giải phóng quân từ các mũi tiến vào thành phố.
Ngay sau khi quân ta chiếm được Dinh Độc lập, bắt sống Nội các Dương Văn Minh, các phóng viên đi theo các cánh quân như Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản, Văn Bảo, Vũ Tạo, Hoàng Thiểm đã gom số phim chụp được để phóng viên Hoàng Thiếm chuyển gấp ra Hà Nội. Nhận nhiệm vụ, ông Hoàng Thiểm đã dùng xe của nguyên Phó Thủ tướng Chính quyền Sài Gòn là Nguyễn Văn Hảo cùng người lái xe tên là Võ Cự Long (nguyên Trung sĩ cảnh sát Chính quyền Sài Gòn), chạy thẳng ra Đà Nẵng, từ đó đi máy bay quân sự ra Hà Nội để báo cáo Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Còn cánh quân từ “R" gom phim nộp cho Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Trần Thanh Xuân. Sau đó, ông Xuân giao cho ông Hai Sơn cùng với giao liên chuyển gấp về Lò Gò. Tại đây, Tổng Biên tập Đào Tùng chỉ đạo phát telephoto đi các nơi, còn tin bài được phát bằng morse về “R" để từ đó chuyển ra phim do Phóng viên Hoàng Thiểm đem ra Hà Nội được làm gấp kịp chuyển lên báo cáo Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương (2/5/1975). Sau đó, những bức ảnh này được in ra triển lãm cho nhân dân xem, đồng thời dán ở bảng tin ngay cổng trụ sở cơ quan Việt Nam Thông tấn xã ở số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Ngay đêm 30/4/1975, hầu hết những phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã tham gia các cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn đã hội quân đầy đủ trong niềm xúc động vô bờ của ngày vui đại thắng. Đội ngũ phóng viên thông tấn tiếp tục lan tỏa những niềm vui đó đến đông đảo đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế những những hình ảnh, câu chuyện sinh động.
May mắn có mặt trong đoàn quân chiến thắng, chứng kiến những giây phút lịch sử của đất nước, Nhà báo Thanh Bền kể lại: Ngày 30/4/1975, khi vào đến trung tâm Sài Gòn, nhóm phóng viên được anh Chín Thép dẫn về nhà ba của anh ở đường Tự Đức, Phú Nhuận. Không kịp hỏi thăm người thân, anh Chín Thép lấy chiếc vespa chở tôi đi “khảo sát” một vòng quanh sân bay Tân Sơn Nhất, nơi còn một xe tăng đang cháy, qua khu Bảy Hiền nơi có phong trào nổi dậy mạnh mẽ và là một trong hai nơi treo cờ Mặt trận sớm nhất Thành phố. Sau đó vòng qua Trần Hưng Đạo, vô Chợ Lớn và trở về Phú Nhuận tập trung cho công việc. Đúng 8 giờ tối ngày 30/4, ngay trên sân thượng nhà anh Chín Thép, tổ Thông tấn xã chúng tôi quay ragono phát bài đầu tiên “Sài gòn mấy giờ sau giải phóng” về căn cứ Tây Ninh, đồng chí Tổng Giám đốc Đào Tùng trực tiếp duyệt bài.
Đến sáng 1/5/1975, Tổ công tác đi vài địa điểm khác tại Sài Gòn và Nhà báo Thanh Bền tiếp tục phát bản tin vào sáng hôm đó với tựa đề “Sài Gòn, 1 tháng 5”, bài báo được Báo Nhân Dân đăng lại với tít “1 tháng 5, Sài Gòn”. Chiều 1/5/1975, Tổ công tác về địa điểm hội quân là trụ sở Việt Tấn xã cũ (116-118 đường Hồng Thập Tự, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), đã được Thông tấn xã Giải phóng tiếp quản vào 15 giờ 30 ngày 30/4/1975.
Những bức ảnh lịch sử
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc, nguyên phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, nhớ lại: Tới ngày 30/4/1975, đoàn tới khu vực Bà Hom (nay là Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) đã nhận được tin ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, mọi người trong đoàn ôm nhau khóc, người dân xung quanh vẫy chào đoàn quân giải phóng. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc đã kịp thời chụp nhiều tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc xúc động ấy. Sau này, trong một lần trả lời phỏng vấn, Nhà báo Đỗ Phượng (nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) chia sẻ, ông đã chuyển những tấm ảnh mà Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc chụp được sự chào đón, niềm vui của nhân dân Sài Gòn khi giải phóng cho Tổng Bí thư Lê Duẩn xem và được Tổng Bí thư đánh giá rất cao.
Sau hơn 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cầm trên tay những bức ảnh ghi lại những trang sử hào hùng của dân tộc qua ống kính của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc, chúng tôi cảm nhận được phần nào niềm vui khôn tả của nhân dân Sài Gòn, miền Nam Ngày giải phóng đất nước. Trong những bức ảnh ấy, đáng chú ý là tấm ảnh chụp Tổng thống Dương Văn Minh hai tay để trên bục, cúi đầu đọc lời cảm ơn Chính phủ Cách mạng khi được trả tự do vào ngày 3/5/1975. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Lộc chia sẻ: “Đây là bức ảnh nổi tiếng vào thời điểm đó, được báo chí quốc tế sử dụng ngay sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ. Tôi tự hào vì đã chụp được một thời khắc quý giá”.
Trong số những phóng viên Thông tấn xã đầu tiên vào đến Sài Gòn và có mặt tại Dinh Độc Lập trong những giờ đầu giải phóng, có các phóng viên: Trần Mai Hưởng, Lâm Hồng Long, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành, Vũ Tạo, Ngọc Đản, đi cùng các mũi tiến công của Quân đoàn II vào Sài Gòn. Bên cạnh đó là các phóng viên theo Đoàn tiếp quản từ rừng ra như Trần Mai Hạnh, Văn Bảo và các đồng chí phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Nguyễn Đức Giáp, Nguyễn Toàn Phong. Sau này, phóng viên Lâm Hồng Long đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Bức ảnh nổi tiếng “Xe tăng chiếm dinh Độc lập” của Phóng viên Trần Mai Hưởng chụp được khoảnh khắc lịch sử xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Trong bài viết "Hồi ức về một mùa Xuân" trong cuốn sách "Tiếp bước truyền thống vẻ vang", Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam viết: "Chúng tôi bám sát đội hình hành quân, tiến vào trung tâm thành phố. Sài Gòn đây rồi! Đường Lê Văn Duyệt rộng là thế, bay giờ như nhỏ lại, không đủ sức chứa cả đoàn quân. Đồng bào đổ kín ra hai bên đường phố. Những lá cờ cách mạng, được chuẩn bị âm thầm bao lâu nay trong từng ngôi nhà, giờ tung bay trong nắng. (…) Khi chúng tôi tiến vào Tổng dinh, một nhà báo phương Tây nhận ra các đồng nghiệp đã tung một chiếc máy ảnh lên trời tỏ ý vui mừng. Boris Gannep, một nhà báo Đức làm việc cho tờ Tiến bộ, nói với tôi: Tôi chờ ngày này đã lâu. Thật là một thắng lợi kỳ diệu!"
Nhớ về những giờ phút tác nghiệp trong ngày 30/4 lịch sử đó, Nhà báo Trần Mai Hưởng cho biết: Sau khi đã ghi lại hình ảnh và tư liệu tại Dinh Độc Lập vào một thời điểm lịch sử, tôi cùng Nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo, mượn chiếc xe còn tốt của Phó Tư lệnh Quân đoàn II - Tướng Hoàng Đan, đi tới các nơi khác trong thành phố. Đại sứ quán Mỹ trên đường Thống Nhất - Mạc Dinh Chi cảnh tượng tan hoang, còn nguyên dấu vết của một cuộc rút chạy tán loạn. Tại Phủ Thủ tướng ngụy Sài Gòn, giấy tờ, con dấu vứt bừa bãi dưới sàn. Trụ sở Bộ Quốc phòng ngốn ngang hàng chục xe Jeep đủ loại. Tổng Nha Cảnh sát đầy ấp súng ống. Văn phòng Tướng Cao Văn Viên tại Bộ Tổng tham mưu còn cả những mẩu bánh mỳ ăn dở vứt trên bàn. Chúng tôi qua chợ Bến Thành, qua bến Nhà Rồng, đi dọc đường Nguyễn Huệ... Đâu đâu cũng gặp những biển người sôi động, niềm vui, nụ cười và cả những giọt nước mắt mừng vui. Cả thành phố thực sự sống trong một ngày hội lớn.
Trong những ngày lịch sử này, cùng với hàng loạt tin, bài chuyển theo đường morse, teletype, hàng ngàn tấm ảnh màu và đen trắng được chuyển thẳng về Tổng xã Việt Nam Thông tấn xã ở Hà Nội theo đường máy bay và telephoto, không chỉ kịp thời báo cáo với Trung ương mà còn đáp ứng nhu cầu của các cơ quan thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài, hoàn thành vẻ vang trách nhiệm của một hãng thông tấn trong chiến tranh cách mạng.
Lực lượng phóng viên tin, ảnh của Việt Nam Thông tấn xã, Thông tấn xã Giải phóng đã ở trên tuyến đầu của công tác thông tin, góp phần phản ánh một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.