Nhiều đại biểu đã tham mưu, đưa ra nhiều ý tưởng giúp bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em, qua đó góp phần tích cực xây dựng một hệ giá trị gia đình Việt Nam.
Gia đình Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức
Trong tham luận trình bày tại Đại hội, bà Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có nhiều tác động cả tích cực và tiêu cực, gia đình Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức: Gia đình truyền thống ngày càng thu hẹp, các quan hệ tự do, cởi mở về hôn nhân và gia đình xuất hiện, tình trạng ly hôn, lợi dụng quan hệ hôn nhân vì mục đích khác, ngại sinh con, tình trạng buông lỏng giáo dục gia đình, lối sống thực dụng, đề cao vật chất chi phối thái độ, ứng xử của các thành viên trong gia đình và xã hội... Nhiều vụ việc đau lòng, gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm phụ nữ, trẻ em xảy ra trong thời gian gần đây, trong đó có những vụ việc xảy ra trong gia đình càng cho thấy vấn đề gia đình cần được quan tâm hơn lúc nào hết.
Từ kinh nghiệm của địa phương, để bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em, cũng như triển khai thực hiện thành công phong trào thi đua và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” mà Đại hội tập trung thảo luận, bà Ngụy Thị Tuyến đề xuất một số giải pháp. Trước hết, Chính phủ và các ngành chức năng cụ thể hóa các mục tiêu phát triển gia đình trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm đầu tư nguồn lực cho các mục tiêu phát triển xã hội, trong đó có công tác gia đình; tiếp tục nghiên cứu đề xuất, đánh giá xu hướng biến đổi của gia đình để có chính sách can thiệp phù hợp.
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nghiên cứu có những chính sách, mô hình hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững nhằm nâng cao vai trò của các cấp Hội trong công tác vận động, hỗ trợ cán bộ, hội viên thực hiện trách nhiệm vun đắp, gìn giữ giá trị, truyền thống tốt đẹp của gia đình, gắn kết các thành viên trong gia đình, gia đình với xã hội để mỗi gia đình, cộng đồng thực sự là tổ ấm, nơi bình yên của mỗi người.
Bà Ngụy Thị Tuyến cũng đề nghị tăng cường hiệu quả thực chất trong thực thi pháp luật về lĩnh vực gia đình, đặc biệt trong bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong phòng ngừa, phát hiện, lên tiếng bảo vệ phụ nữ và trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; nâng cao năng lực, ý thức, trách nhiệm của cán bộ làm công tác xã hội tại cộng đồng.
Kết nối, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới
Nhà tạm lánh mang tên Ngôi nhà bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính thức ra đời ngày 8/3/2007. Ở thời điểm đó, tình hình bạo lực gia đình và nạn mua bán người ở Việt Nam được nhận thức là nghiêm trọng cả về tính chất và mức độ nhưng chưa có Luật Phòng, chống mua, bán người và Phòng, chống bạo lực gia đình, chưa có cơ sở hỗ trợ nạn nhân và xã hội chưa biết đến mô hình nhà tạm lánh.
Từ nhu cầu thực tế, kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và sự hỗ trợ của quốc tế, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã chỉ đạo thành lập mô hình Ngôi nhà bình yên để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người, được trở về. Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (đơn vị thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) được giao quản lý, vận hành và phát triển mô hình. Đến năm 2018, Ngôi nhà bình yên đã được nhân rộng tại thành phố Cần Thơ.
Ngôi nhà bình yên hoạt động với mục đích hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện cho nạn nhân, giúp phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, tạo điều kiện để nạn nhân tái hòa nhập an toàn và bền vững thông qua các dịch vụ hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng và pháp lý... Sau 14 năm hoạt động, tính đến tháng 9/2021, Ngôi nhà bình yên đã tiếp nhận và hỗ trợ 1.432 nạn nhân đến từ 55 tỉnh, thành phố.
Từ kết quả và kinh nghiệm hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người trong hơn 14 năm qua, trong tham luận trình bày tại Đại hội, bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển khuyến nghị Nhà nước tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, trong đó chú trọng xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành hỗ trợ nạn nhân đảm bảo yếu tố nhạy cảm giới và thân thiện; có chính sách hỗ trợ phù hợp với đối tượng nạn nhân đáp ứng yếu tố khẩn cấp và bền vững; bổ sung các quy định cụ thể về công tác bảo đảm an toàn, bảo vệ cho các cá nhân báo tin, ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân hoặc cho cơ sở hỗ trợ nạn nhân...
Các cơ quan chức năng, các cấp Hội Phụ nữ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ và người dân về thúc đẩy bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, để cộng đồng lên tiếng đảm bảo sự an toàn của phụ nữ, trẻ em; nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Phụ nữ các cấp trong xử lý, ứng phó với các vụ bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ ngay tại cộng đồng; quan tâm hỗ trợ nguồn lực để duy trì và mở rộng mô hình Ngôi nhà bình yên tại các khu vực và đặc biệt nâng cấp thành tổng đài quốc gia hỗ trợ phụ nữ.