Thưa Đại sứ, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Qatar ngày càng được củng cố và phát triển. Đại sứ đánh giá như thế nào về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Qatar trong 30 năm qua cũng như triển vọng hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại và đầu tư thời gian tới?
Trong 30 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Qatar đã phát triển tốt đẹp. Có thể tóm tắt qua 4 điểm chính sau:
Về chính trị - ngoại giao, Việt Nam và Qatar thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/2/1993. Việt Nam mở Đại sứ quán tại Qatar năm 2008 và Qatar mở Đại sứ quán tại Hà Nội năm 2010. Quan hệ hai nước thời gian qua phát triển tốt đẹp trên các mặt chính trị và kinh tế. Nhiều đoàn cấp cao của hai nước đã tiến hành các chuyến thăm lẫn nhau. Các đoàn ta thăm bạn: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2009), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (2010); Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (2014), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (2019). Các đoàn bạn thăm ta: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Hamad bin Jassim bin Jaber Al Thani (2007); Quốc vương Qatar Hamad bin Khalifa Al Thani (2012), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani (2022).
Lãnh đạo Qatar coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam, Bộ Ngoại giao Qatar luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Đại sứ quán tại địa bàn. Hai nước đã ký 12 văn bản ghi nhớ, hiệp định hợp tác quan trọng tạo khuôn khổ cho hợp tác song phương như Hiệp định khung, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế song trùng, Hiệp định vận tải hàng không cũng như văn bản, thỏa thuận trong các lĩnh vực chuyên ngành khác. Hai nước tích cực ủng hộ nhau tại các diễn đàn cũng như ứng cử vào các tổ chức quốc tế. Qatar ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ) nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Về hợp tác thương mại - đầu tư, kim ngạch thương mại song phương có xu hướng tăng trong những năm gần đây, dao động từ 400 - 500 triệu USD, trong đó Việt Nam là nước xuất siêu. Việt Nam xuất khẩu sang Qatar các mặt hàng chủ yếu như điện thoại di động, sản phẩm điện tử và linh kiện; dây và cáp điện; hàng may mặc, thủy sản; gạo… và nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng… Quỹ đầu tư Nhà nước Qatar (QIA) đã đầu tư 300 triệu USD vào các dự án của Tập đoàn Vingroup.
Về hợp tác lao động, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác lao động (2008) tạo khuôn khổ quan trọng trong lĩnh vực này suốt thời gian qua. Năm 2008, Việt Nam, từng có trên 10.000 lao động tại Qatar. Tuy nhiên, hiện cộng đồng Việt Nam tại Qatar có khoảng 500 người. Số lượng lao động phổ thông Việt Nam tại Qatar giảm do nhiều nguyên nhân: thời tiết khắc nghiệt; mức lương thấp; Chính phủ Qatar thắt chặt việc cấp thị thực đối với lao động phổ thông Việt Nam; ý thức kỷ luật lao động, việc chấp hành pháp luật sở tại của lao động Việt Nam tại địa bàn. Kể từ 1/1/2018, Qatar Airways khai thác 2 đường bay thẳng đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và đang nghiên cứu nối lại đường bay thẳng từ Doha - Đà Nẵng sau dịch COVID-19, vốn được mở tháng 12/2018.
Về văn hóa - giáo dục, hằng năm trường Đại học Qatar cung cấp cho Việt Nam 3 suất học bổng học tiếng Arab (9 tháng), từ năm 2021 là 4 suất học bổng. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học nhân chuyến thăm của Quốc vương Qatar tới Việt Nam (2012). Ngày 8/12/2020, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ Văn hóa - Thể thao Nhà nước Qatar tổ chức Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên, thiết lập khuôn khổ cho các chương trình hợp tác trong lĩnh vực thanh niên của hai nước giai đoạn 2021 - 2025.
Đại sứ có thể cho biết những lĩnh vực nào được coi là thế mạnh để Việt Nam và Qatar có thể tăng cường hợp tác thời gian tới ?
Hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch sẽ là lĩnh vực tiềm năng trong quan hệ hai nước, cung ứng thiết bị, lao động lắp ráp dàn khoan dầu khí. Qatar là thị trường tiềm năng để hàng hóa Việt Nam thâm nhập khi các doanh nghiệp tăng cường khảo sát, xúc tiến thương mại, kết nối với đối tác. Thị trường các nước Trung Đông, vùng Vịnh, trong đó có Qatar được xem là đối tác tiềm năng mới của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, may mặc, da giày sang Qatar hiện còn ở mức khiêm tốn nên sẽ còn nhiều tiềm năng phát triển thời gian tới. Ngoài ra, năm 2023 đánh dấu 30 năm Việt Nam và Qatar thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước dự kiến sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm. Đây sẽ là cơ hội để người dân và doanh nghiệp hai nước có thêm hiểu biết về đối tác, qua đó thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Từ đầu năm 2023 đến nay, có 2 đoàn gồm: Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng do Chủ tịch Lê Trung Chinh dẫn đầu; Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước do Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Chí Thành dẫn đầu, đã sang gặp gỡ đối tác, tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư vào các dự án của Việt Nam.
Ngay sau chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ Công thương sẽ dẫn đầu đoàn khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Qatar.
Quỹ đầu tư Nhà nước Qatar (QIA) đã đầu tư 300 triệu USD vào các dự án của Tập đoàn Vingroup. Thời gian qua, Đại sứ quán chủ động cung cấp thông tin về thị trường và kết nối cho một số công ty Việt Nam cho một số công ty, quỹ đầu tư tư nhân tại Qatar quan tâm đầu tư vào Việt Nam như Tập đoàn International Power Holding và Quỹ đầu tư JTA. Thời gian tới, Việt Nam mong muốn thúc đẩy Qatar đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác dầu khí, phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, chuyển đổi số. Qatar nói riêng và Trung Đông nói chung là thị trường tiềm năng đối với ngành du lịch của Việt Nam.
Trung Đông gồm 16 nước với dân số 453 triệu người. Hội đồng các nước vùng Vịnh (GCC) gồm 6 nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Oman, Qatar, Kuwait, Bahrain có dân số 54 triệu người. Đây là thị trường khách du lịch có thu nhập bình quân đầu người cao (60.000 - 130.000 USD/năm), có khả năng chi tiêu cao và đi du lịch dài ngày. Du khách từ khu vực vùng Vịnh ngoài đặc điểm chung là theo đạo Hồi, còn có đặc điểm riêng là khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày. Những năm gần đây, khách du lịch Trung Đông thường tìm kiếm những địa điểm du lịch mới do những địa điểm du lịch truyền thống như châu Âu đã bão hòa. Qua các hội thảo xúc tiến du lịch được tổ chức, tôi nhận thấy có nhiều tiềm năng trong việc thúc đẩy đưa khách du lịch Qatar vào Việt Nam, đồng thời có thể tổ chức kết hợp với các tour từ Việt Nam tới Qatar, Dubai, Saudi Arabia thời gian tới.
Thưa Đại sứ, đâu là khó khăn, thách thức và thuận lợi đối với hàng hóa Việt Nam tại thị trường Qatar. Đại sứ có thể cho biết hai nước cần có những giải pháp cụ thể nào để nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại song phương?
Về thuận lợi, trước hết, sau thành công của World Cup 2022, Qatar tiếp tục xây dựng và phát triển hình ảnh một quốc gia là điểm đến toàn cầu của du lịch, thương mại và đầu tư. Qatar có khả năng đáp ứng các tiêu chí khắt khe trong việc chủ trì và tổ chức các sự kiện thể thao, kinh doanh, MICE (hoạt động du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, sự kiện), giải trí, văn hóa, y tế và du lịch Halal ở quy mô quốc tế, hệ thống siêu thị phân phối hàng hóa hiện đại… Hệ thống cơ sở vật chất, nguồn lực, kinh nghiệm mà Qatar tích lũy được trong quá trình chuẩn bị cho World Cup 2022 là nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Qatar phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là lĩnh vực hậu cần, dịch vụ, chuỗi phân phối cung ứng hàng hóa… Các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài các thị trường truyền thống, và tận dụng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa toàn cầu, nhất là trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19. Theo đó, thị trường các nước Trung Đông, vùng Vịnh, trong đó có Qatar được xem là đối tác tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Về khó khăn, việc xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh của ta như nông sản, thủy sản, may mặc, da giày sang Qatar còn ở mức khiêm tốn cần do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, thị trường Qatar tương đối nhỏ, chưa thực sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam, lại có yêu cầu khắt khe về chứng chỉ Halal đối với các mặt hàng nông, thủy sản nhập khẩu. Thứ hai, Qatar nhập nhiều mặt hàng này từ các các nước có vị trí địa lý gần gũi và đông dân nhập cư vào nước này như Pakistan, Nepal, Bangladesh, Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ ba, việc hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại của cơ quan đại diện gặp khó khăn khi quy mô nhỏ, biên chế rút gọn, không có đại diện thương vụ. Cán bộ làm công tác ngoại giao kinh tế kiêm nhiệm cả công tác nghiên cứu, chính trị và nhiều công tác khác, nên ảnh hưởng tới thời gian tập trung cho công tác ngoại giao kinh tế.
Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, để thúc đẩy hàng hóa thâm nhập thị trường Qatar thời gian tới, Việt Nam cần:
Sớm hoàn thiện Hiệp định, Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước; tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn giữa Việt Nam và Qatar; lồng ghép nội dung ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại trong các hoạt động kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tăng cường tổ chức các đoàn doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát và xúc tiến thương mại (hội thảo, hội nghị), đăng ký tham gia triển lãm giới thiệu sản phẩm, kết nối doanh nghiệp trên các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam. Thời gian tới, chính phủ Qatar tổ chức nhiều triển lãm về công nghệ và vật liệu xây dựng, kiến trúc, công nghệ môi trường, nông nghiệp như: Build Your House, Project Qatar 2023, Horticultural Doha Expo, Qatar Travel Mart, Triển lãm Qatar 2023. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm Việt Nam, kết nối doanh nghiệp đối tác
Tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu sâu nhu cầu thị trường; các điều kiện liên quan đến chứng chỉ Halal, mở văn phòng đại lý, lập nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu tại Qatar. Các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Việt Nam cần tính tới vị trí địa lý của Qatar để giảm chi phí vận chuyển, mở rộng thị trường tiêu thụ xuất khẩu hàng hóa từ Qatar ra toàn thị trường Trung Đông, khối Arab và các nước Liên minh châu Âu (EU). Có thể nghiên cứu việc đặt nhà máy sản xuất, thiết lập đại lý phân phối ở Doha, để tận dụng những ưu đãi của Chính phủ Qatar về khuyến khích đầu tư nước ngoài, miễn thuế xuất khẩu. Hiện nay, chi phí thuê mặt bằng ở Khu ưu đãi xuất khẩu (Free Zone) rất thấp, khoảng 12 Ryial, tương đương 3 USD/m2/năm.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.