Việt Nam và Cộng hòa Séc có mối quan hệ hợp tác truyền thống suốt 75 năm qua. Đại sứ có đánh giá thế nào về quan hệ hai nước, đặc biệt là những thành tựu nổi bật trong những năm gần đây và tiềm năng hợp tác trong thời gian tới?
Tôi cho rằng sự phát triển của mối quan hệ hai nước thật sự là một mô hình tiêu biểu vì Séc là một trong bốn quốc gia đã thiết lập quan hệ đầu tiên với Việt Nam cách đây 75 năm. Thời gian đó, cùng với Trung Quốc, Liên Xô và Triều Tiên, Séc là quốc gia thứ tư trong lịch sử công nhận Việt Nam là một quốc gia.
Lễ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là cơ hội hiếm có, đặc biệt là cộng đồng người Việt đông đảo nhất ở Cộng hòa Séc sau 75 năm. Séc chỉ có 10 triệu dân, dân số của chúng tôi tương đương với Hà Nội và hiện có hơn 100.000 người Việt sinh sống tại Cộng hòa Séc, là dân tộc thiểu số lớn thứ ba.
Nói về quan hệ song phương, thật sự là hai nước đã có những bước phát triển ngoài mong đợi. Thương mại song phương mỗi năm đều tăng trưởng. Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, kim ngạch thương mại của chúng ta sẽ vượt qua 3 tỷ USD. Thủ tướng Việt Nam sẽ thăm chính thức tới Séc nhân dịp kỷ niệm 75 năm quan hệ hai nước.
Và điều quan trọng là, đây không chỉ là mối quan hệ giữa các Chính phủ, mà thật sự là mối quan hệ giữa nhân dân hai nước, với gần 300.000 người đã từng học tập tại Cộng hòa Séc vẫn duy trì mối quan hệ với chúng tôi và nói được cả ngôn ngữ Séc rất khó học. Vì vậy, tôi nghĩ Việt Nam thực sự ở một vị trí rất đặc biệt và đối với chúng tôi, Việt Nam là cánh cửa kết nối Séc với tất cả các quốc gia ASEAN.
Tiềm năng phát triển giữa hai nước hiện còn rất lớn. Chúng ta biết rằng trong tương lai, sẽ có nhiều du khách hơn đến Việt Nam và điều đó đã bắt đầu với các chuyến bay charter trực tiếp đến đảo Phú Quốc, nơi có gần 900 người Séc đến mỗi tuần.
Chúng ta cũng biết rằng các mối quan hệ kinh tế đang đạt đến tầm cao mới với các khoản đầu tư lớn từ Séc vào Việt Nam. Nhóm các nhà đầu tư trong bảy ngành công nghiệp của Séc đã đầu tư vào hạ tầng điện tại Việt Nam gần nửa tỷ đô la Mỹ và hiện sở hữu nhà máy điện BOT lớn nhất ở miền Bắc Việt Nam.
Đồng thời, trong thời gian tôi làm Đại sứ, chúng tôi cũng đã mang xe Škoda đến Việt Nam, những chiếc xe khá nổi tiếng trên toàn thế giới, và trong năm tới, chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất xe Škoda tại Việt Nam, với khả năng sản xuất lên đến 30.000 xe mỗi năm chỉ riêng Việt Nam, mà còn cho toàn bộ thị trường ASEAN.
Tôi có thể đề cập thêm rất nhiều điều nữa, nhưng tôi cũng muốn nhắc đến rằng, một phần quan trọng trong các khoản đầu tư là từ người Việt sống hoặc sinh ra tại Cộng hòa Séc, những người quay lại quê hương, như các bạn gọi là Việt kiều và họ đang tái đầu tư vào quê hương Việt Nam. Tôi rất vui khi có thể chứng kiến ít nhất một dự án đầu tư của họ mỗi năm, thường là khoảng 30 triệu đô la Mỹ mỗi dự án, vì vậy đây thực sự là một số tiền đáng kể đang quay trở lại Việt Nam.
Đại sứ có kỳ vọng gì chuyến thăm Cộng hòa Séc sắp tới của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đối với quan hệ hai nước, đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2025)?
Trong chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng tôi kỳ vọng hai bên sẽ ký một thỏa thuận mới về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục vì lợi ích của sinh viên và các học giả Séc tại Việt Nam. Tôi cũng kỳ vọng hai Thủ tướng và Chính phủ hai nước sẽ ký kết một số thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh, nhưng trên hết là việc hai Thủ tướng sẽ ký kết một thỏa thuận nâng tầm quan hệ song phương. Mức độ mới cao hơn của mối quan hệ giữa Séc và Việt Nam sẽ mang lại cho các chính trị gia và đại diện hai nước không gian cho mục tiêu mới của mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai đất nước chúng ta.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, mối quan hệ mới mà chúng ta cùng nhất trí nâng tầm không chỉ đơn thuần là sự đánh giá mang biểu tượng về sự gần gũi của chúng ta, mà còn cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc đẩy nhanh các quá trình tiêu chuẩn hóa những kết quả cụ thể của mối quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa Séc và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong chuyến thăm mà tất cả chúng ta đều tin tưởng chắc chắn sẽ thành công tốt đẹp này, cùng với những kết quả nổi bật khác dự kiến sẽ đạt được, tôi cũng rất kỳ vọng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ “bật đèn xanh cuối cùng” cho dự án đầu tư của công ty Sev.en Global Investment tại Việt Nam, cũng như cấp phép để đưa salami (xúc xích tươi) và thịt hun khói của Séc đến với thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, chúng tôi cũng rất tin tưởng hai bên sẽ tiếp tục tích cực thúc đẩy mở đường bay thẳng Praha-Hà Nội, cũng như xem xét thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận miễn thị thực cho du khách Cộng hòa Séc đến Việt Nam. Tất cả những triển vọng đó, cùng với những lĩnh vực hợp tác thiết thực khác, sẽ góp phần làm tăng khối lượng thương mại hai chiều giữa hai đất nước chúng ta, thậm chí sẽ vượt qua mức 3 tỉ USD/năm hiện nay.
Là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 3 và đã được công nhận là dân tộc thiểu số tại Séc, Đại sứ đánh giá thế nào về những đóng góp của cộng đồng người Việt đối với sự phát triển của Séc cũng như cho quan hệ song phương Việt Nam - Séc?
Cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc là một hiện tượng khá đặc biệt vì họ đến vào giữa thập niên 1950, vì vậy họ rất truyền thống. Nhưng hãy để tôi nói thẳng với bạn rằng khi họ đến Séc vào những năm 1950, chúng tôi không tin rằng họ sẽ ở lại lâu. Trước hết, Séc là một quốc gia mà vào mùa Đông có thể dễ dàng xuống tới -10 độ C, một nền ẩm thực rất lạ đối với người Việt, phong tục tập quán hoàn toàn khác biệt và ngôn ngữ thì hoàn toàn không giống với tiếng Việt.
Chúng tôi đã chuẩn bị để tiếp nhận cộng đồng người Việt với mục đích học tập và nghĩ rằng có lẽ họ sẽ không thích đất nước này và sẽ trở về quê hương. Tuy nhiên, điều ngược lại đã xảy ra, như bạn đã nói, họ hiện nay là cộng đồng lớn thứ ba và thực sự là một cộng đồng mẫu mực, đóng góp rất nhiều cho Cộng hòa Séc. Đóng góp lớn nhất của họ không phải là về văn hóa hay kinh tế, dù chúng cũng rất quan trọng, mà đóng góp lớn nhất của họ là việc chứng minh rằng họ có thể hòa nhập vào cộng đồng người châu Âu.
Chúng ta đều biết rằng châu Âu đang ở trong một giai đoạn rất đặc biệt, không chỉ riêng Cộng hòa Séc mà trên toàn châu Âu, chúng tôi đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng dân số. Người dân châu Âu ngày càng ít đi và cùng lúc đó, việc hòa nhập của các cộng đồng ngoài châu Âu vào lối sống châu Âu không phải lúc nào cũng thành công.
Tuy nhiên, nếu có một ví dụ về sự hòa nhập rất thành công, đó chính là cộng đồng người Việt, bởi vì đó là sự hòa nhập hơn là đồng hóa. Người Việt vẫn là người Việt, họ vẫn nói tiếng Việt ở nhà, vẫn ăn bánh mì Việt, vẫn giữ gìn nền ẩm thực Việt tại Cộng hòa Séc, nhưng cùng lúc đó, họ là một phần hoàn toàn bình thường và được đánh giá cao trong xã hội mới của Séc. Họ đã chứng minh cho các cộng đồng di cư khác thấy rằng thực ra điều này là khả thi nếu bạn biết cách và người Việt đã tìm ra con đường để làm được điều đó.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ Hynek Kmoníček!