Quang cảnh phiên khai mạc Đại hội. Ảnh: TTXVN |
Ngày 21/1 - ngày khai mạc Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam, tạp chí Umsebenzi của Đảng Cộng sản Nam Phi, Tehran Times (Thời báo Tehran) và hãng thông tấn Iran (IRNA)đã có các bài viết đánh giá tích cực về Đại hội.
Các bài viết đều nhìn nhận khách quan thành tựu 30 năm Đổi mới của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN. Trong đó, nhờ những nỗ lực đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế-xã hội quan trọng.
Tờ Umsebenzi đã dẫn những số liệu về kinh tế Việt Nam như: Tăng trưởng kinh tế trung bình 4,4% giai đoạn 1986 – 1990, đạt 8,2% giai đoạn 1991-1995, vẫn tăng trưởng 7% hàng năm giai đoạn 1996-2000 dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính châu Á; đạt tăng trưởng trungbình 7,34% giai đoạn 2001-2005; trong bối cảnh suy thoái kinh tế giai đoạn 2006-2010, tiếp tục đạt tăng trưởng hàng năm 6,32%. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XI (2011-2015), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và nợ công toàn cầu vẫn duy trì được mức tăng trung bình 5,9%/năm, mức tăng trưởng tốt nhất trong khu vực và trên thế giới. Riêng năm 2015, GDP tăng tới 6,68% vượt qua mục tiêu 6,2% và cho thấy nền kinh tế đang phục hồi.
Umsebenzi cũng cho rằng nhờ chính sách cải cách, tổng quan kinh tế Việt nam đã có thay đổi tích cực. Phát triển cơ sở hạ tầng nhảy vọt với việc xây dựng các dự án mới và quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đồng thời, nhiều khu đô thị mới và hiện đại đã được phát triển ở các thành phố lớn. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và xã hội cũng có những tiến bộ to lớn, góp phần cải thiện phúc lợi xã hội và mức sống.
Umsebenzi đánh giá với quan điểm phát triển bền vững, Việt Nam đã chú ý để bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Do đó, có thể khẳng định, trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển với sự ổn định chính trị - xã hội và củng cố quốc phòng và an ninh.
Trong khi đó, Tehran Times đánh giá việc thực hiện đường lối Đổi mới của Việt Nam được cộng đồng quốc tế coi là một hình mẫu trong cuộc chiến chống đói nghèo, Liên hợp quốc thậm chí còn đánh giá Việt Nam là một trong những nước nổi bật nhất về giảm nghèo theo các Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Cả Umsebenzi, Tehran Times và
IRNA đều đánh giá, sau 30 năm cải cách, Việt Nam đã thực sự hội nhập quốc tế. Từ một quốc gia chịu bao vây, cấm vận kinh tế, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với trên 170 nước và có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các bài viết nhận định: Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các tổ chức quốc tế và ký kết 11 hiệp định tự do thương mại, trong đó, Hiệp định thương mại giữa Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA, 2015), và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đánh dấu mốc quan trọng để Việt Nam nâng cao vai trò và vị thế trên trường quốc tế.
Cuối cùng, các bài báo đều cho rằng người dân Việt Nam đang hết sức tin tưởng vào đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo điều kiện cho đất nước phát triển ổn định và bền vững trong những giai đoạn đầy khó khăn sắp tới.