Nhận xét về phát biểu giải trình vấn đề đại biểu Quốc hội nêu của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, giải trình của Bộ trưởng “cơ bản là tốt” nhưng việc chữa bệnh là không thể chờ đợi được. Các vấn đề khác có thể chờ đợi được nhưng việc chữa bệnh thì người bệnh không thể chờ thuốc. Đại biểu cũng cho rằng, trong báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến năm 2023 của Chính phủ có nêu về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm. Song vấn đề này nêu còn chung chung, chưa làm rõ được nguyên nhân, chỉ ra được lý do của tình trạng khó khăn.
“Nếu khó khăn do ở luật thì luật nào, nếu ở Nghị định, Thông tư thì ở mục nào. Hay tình trạng khó khăn đó là do những nguyên nhân khác như năng lực của từng tổ chức, chuyên môn, hay vấn đề về thực thi, thị trường”, đại biểu Phan Đức Hiếu băn khoăn.
Cho rằng cần rà soát, đánh giá, sửa đổi ngay những quy định ở một số thông tư, nghị định về lĩnh vực y tế, khám chữa bệnh có thể tạo ra những rủi ro, sự không an tâm, đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh: Các thông tư, nghị định này nếu được Chính phủ tích cực, quyết liệt thì “hoàn toàn sửa đổi được ngay”.
“Vấn đề này đòi hỏi Chính phủ phải tháo gỡ. Rất mong Chính phủ phải đặt vấn đề này là ưu tiên. Trong phạm vi thẩm quyền thì với một số quy định ở thông tư, Chính phủ hoàn toàn có thể rà soát, đánh giá, sửa đổi ngay. Chính phủ có thể sửa đổi với một tốc độ nhanh như bối cảnh Chính phủ đã ban hành các nghị định về hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Chúng ta có thể tháo gỡ các khó khăn mà không phải chờ đợi Quốc hội sửa Luật hay ra Nghị quyết”, đại biểu Phan Đức Hiếu bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề này, chiều 27/10, giải trình trước Quốc hội về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế để đảm bảo cung ứng thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế có liên quan đến hai yếu tố quan trọng. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Vấn đề thiếu thuốc liên quan đến việc đăng ký lưu hành kịp thời các sản phẩm thuốc, trang thiết bị y tế và việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế.
Đối với việc đăng ký lưu hành thuốc, thiết bị y tế, Chính phủ cũng đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 12 để giải quyết các vấn đề liên quan đến đăng ký lưu hành. Đến thời điểm này, Bộ Y tế cũng đã công bố danh mục trên 10.000 thuốc hết hạn hiệu lực; tiếp tục được cấp giấy lưu hành đến ngày 31/12/2022 nên đã cơ bản đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc trên thị trường của năm 2022, đáp ứng kịp thời thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của nhân dân và phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi Luật Dược và các nghị định, thông tư có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và các nội dung liên quan đến việc cấp đăng ký lưu hành, đấu thầu tập trung quốc gia. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên được phân công làm công tác đấu thầu và công bố rộng rãi kết quả đấu thầu, thành lập tổ công tác để hỗ trợ công tác đấu thầu…
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu một số giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực y tế. Theo đó, đối với cả các chính sách liên quan hỗ trợ cho nhân viên y tế, Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 về hỗ trợ thì mức phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, sở y tế dự phòng. Hiện nghị định này đang được trình Chính phủ. Các chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giúp tăng nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế sẽ báo cáo bổ sung trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này.