Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức bên hành lang Quốc hội chiều 27/5, đại biểu Phạm Văn Hoà, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, dư luận, đặc biệt là phụ huynh học sinh quan tâm đến việc tăng giá sách giáo khoa, ngoài chi phí học thì chi phí mua sách giáo khoa cũng là khoản không nhỏ.
“Việc tăng giá sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tính đúng, tính đủ. Cần nêu rõ lí do vì sao tăng, chi phí đầu vào của sách giáo khoa tăng không, có hợp lý không. Chuyện tăng giá sách giáo khoa là việc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng cần có sự vào cuộc của Bộ Tài chính. Tôi nghĩ nếu có sự giám sát của Bộ Tài chính thì việc loạn giá sẽ hạn chế”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu.
“Tôi nghĩ rằng Quốc hội cũng cần xem xét Luật Giá hiện nay bất cập hay không. Theo tôi là bất cập, nếu Bộ Tài chính không tham gia vào quản lý giá, mà để các bộ ngành tự ban hành giá thì họ thường bảo vệ quyền lợi của chính bộ ngành đó. Đây là vấn đề mang tính cục bộ, nên giá phải có sự quản lý của nhà nước và Bộ Tài chính tham gia...”, đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Phan Viết Lượng cũng đánh giá nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về giá sách giáo khoa tại tổ ngày 26/5 là đúng. "Nếu vật liệu tốt, in đẹp, cách làm công phu thì rõ ràng giá thành sách phải cao hơn trước", ông Lượng nói.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ băn khoăn sách giáo khoa có cần sử dụng vật liệu tốt, in đẹp quá hay không? Bởi làm sách giáo khoa vấn đề cần quan tâm là có phù hợp với người sử dụng, phù hợp với điều kiện giáo dục của ta hiện nay, tuổi thọ của sản phẩm đó như thế nào. Tất cả phải tính toán phù hợp.
“Sách giáo khoa cũng có thể coi là sản phẩm thiết yếu nên cần phải định giá cho phù hợp. Không thể vì lợi nhuận của một ai đó mà đẩy giá sách lên được. Do vậy, Nhà nước cần phải quản lý giá, định giá, thậm chí phải trợ giá", ông Lượng nói và cho biết việc cử tri băn khoăn về giá sách giáo khoa là đúng, các bộ ngành liên quan cần phải trả lời cho rõ, còn nếu để lâu sẽ gây hoài nghi trong dư luận.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, ông còn băn khoăn với việc sách giáo khoa có thể sử dụng lại. Cụ thể, đó là việc các trường được chọn bộ sách giáo khoa dạy cho từng cấp học, trong từng năm; ngoài ra, trong các bộ sách giáo khoa, học sinh có thể làm bài tập ngay trong đó.
"Năm nay trường chọn bộ sách này nhưng sang năm họ lại chọn bộ sách khác thì lớp học sinh sau có dùng lại được nữa hay không? Còn việc học sinh lớp trước giải luôn bài tập trong sách giáo khoa thì các em sau này chưa làm đã biết kết quả rồi", ông Trí nêu và cho rằng đó là "kỹ thuật" của những người làm sách.
Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cũng cho hay trong phần trao đổi tại tổ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng giải thích lý do giá sách giáo khoa hiện nay đắt hơn trước vì giấy tốt hơn, khổ to hơn, in đẹp hơn và cũng có yếu tố xã hội hóa.
Để giá sách giáo khoa không trở thành gánh nặng đối với nhiều hộ gia đình, ông Trí đề nghị Nhà nước có chính sách trợ giá trong in sách giáo khoa. Bởi, theo ông Trí, chọn sách để học rất khó, như một cậu sinh viên chưa chắc đã biết chọn cuốn nào cho phù hợp. Do vậy, nếu cứ để như tình trạng hiện nay sẽ rất phí nguồn lực.