Sáng 16/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Thảo luận về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) sáng 16/6. Ảnh: Dương Giang - TTXVN |
Qua thảo luận, các ý kiến thể hiện sự tán thành cần thiết phải sửa đổi cơ bản Luật tổ chức Quốc hội, nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung về tổ chức và hoạt động của Quốc hội để phù hợp với chủ trương đổi mới của Đảng, phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kế thừa và pháp điển nhiều quy định như Nội quy kỳ họp Quốc hội, các Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
*Quy định số lượng đại biểu thế nào cho hợp lý? Đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình cao với việc dự thảo luật các định đại biểu Quốc hội giữ vị trí trung tâm trong hoạt động của Quốc hội. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng các quy định về đại biểu Quốc hội trong dự thảo luật cần phải được nghiên cứu để thể hiện hết được vai trò, tầm quan trọng của đại biểu Quốc hội trong hoạt động của Quốc hội.
Về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội tại Điều 40 là điều luật rất quan trọng, có vị trí then chốt trong dự thảo Luật vì chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội chính là ở từng vị đại biểu Quốc hội. Dự thảo nêu 5 tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội là cơ bản đầy đủ, cụ thể, nhưng đại biểu Huỳnh Nghĩa đánh giá vẫn còn thiếu tiêu chuẩn về tư duy phản biện.
Thảo luận cách quy định số lượng đại biểu Quốc hội trong dự thảo Luật, nhiều ý kiến nhất trí với việc quy định tổng số đại biểu Quốc hội “không quá” 500 người như của Luật hiện hành. Bên cạnh đó, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn với cách quy định này vì cho rằng, mặc dù quy định con số tương đối như hiện nay đã góp phần giải quyết những tình huống phức tạp trong quá trình tổ chức bầu cử cũng như biến động về số lượng đại biểu trong nhiệm kỳ, song quy định như vậy chưa bảo đảm tính chặt chẽ về mặt pháp lý.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) tán thành với quy định tại Điều 41 dự thảo luật là tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người. Đại biểu cho rằng đây là quy định hợp lý. Nếu quy định cứng là 500, khi tiến hành bầu cử, nếu thiếu thì phải bầu bổ sung rất phức tạp.
Đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hoá) đề nghị quy định cứng tổng số đại biểu Quốc hội là 500 đại biểu. Đại biểu nói kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy là số lượng nghị sĩ của thượng viện, hạ viện thường được ấn định trong luật và khi khuyết phải bầu bổ sung. Ở nước ta, việc quy định cứng tổng số đại biểu Quốc hội là hoàn toàn khả thi, vì theo quy định của Hiến pháp mới sắp tới sẽ có Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan hoạt động thường xuyên để tổ chức việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội.
*Cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách
Thảo luận về đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với việc cần phải tăng số lượng tối thiểu từ 25% lên từ 40% để bổ sung đại biểu hoạt động chuyên trách làm việc ở Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phù hợp với chủ trương cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã được nêu trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng .
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên 45%, còn đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) thì cho rằng cần là 50%. Đại biểu Huỳnh Nghĩa đánh giá, Luật tổ chức Quốc hội hiện hành thiết chế đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Điều 59 nhưng lại không quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nên dẫn đến hoạt động kém hiệu quả, không đáp ứng lòng mong đợi của cử tri. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể tại Điều 42 dự thảo luật, thậm chí cần tập trung nghiên cứu quy định hẳn một chương riêng về tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế và điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách. Theo đại biểu, quy định như vậy mới góp phần nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng, hiệu quả của các chức danh này, nhất là trong xu thế đổi mới hoạt động của Quốc hội hiện nay.
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng, đại biểu Quốc hội chuyên rách cần có tiêu chuẩn cao hơn đại biểu không chuyên trách vì điều này góp phần quyết định tới việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần làm rõ địa vị pháp lý, chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội chuyên trách có gì khác so với đại biểu Quốc hội không chuyên trách.
Ý kiến khác đề xuất làm rõ về những đãi ngộ dành cho đại biểu Quốc hội chuyên trách là gì? Có gì khác so với đại biểu không chuyên trách? Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề xuất Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội cần phải là đại biểu chuyên trách , tránh tình trạng như hiện nay đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm lại đi phụ trách đại biểu chuyên trách là không khoa học.
* Còn ý kiến khác nhau về địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội
Bàn về địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội, qua thảo luận, có 2 loại ý kiến. Có ý kiến tán thành quy định về địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội như dự thảo luật. Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục được xác định là hình thức tổ chức hoạt động của các đại biểu Quốc hội tại địa phương; không hành chính hóa hoạt động của đại biểu Quốc hội cũng như tổ chức, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội . Ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội với những nhiệm vụ, quyền hạn độc lập như một cơ quan của Quốc hội tại địa phương, có tư cách pháp nhân.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đề nghị cần quy định Đoàn đại biểu Quốc hội là một tổ chức có tư cách pháp nhân, là một cơ cấu của Quốc hội chịu sự quản lý và chỉ đạo thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời dự thảo cần quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn đại biểu Quốc hội; có cơ chế cụ thể về giám sát và có biện pháp xử lý đối với những vấn đề Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị nhưng địa phương không tiếp thu. Đại biểu Phương phân tích về mặt tổ chức đoàn đại biểu Quốc hội có các yếu tố của một pháp nhân công như có trưởng đoàn, phó đoàn, có trụ sở, kinh phí hoạt động, con dấu và văn phòng giúp việc. Như vậy, quy định về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của đoàn đại biểu Quốc hội cho thấy đây không chỉ dừng lại là tập hợp một nhóm người nữa, mà bản chất của nó đã là một tổ chức có tư cách pháp nhân.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị nếu xác định hình thức tổ chức hoạt động của đại biểu Quốc hội theo đoàn đại biểu Quốc hội, không hành chính hóa hoạt động của đại biểu Quốc hội thì cần có quy định thể hiện được vị trí, vai trò của đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương, tạo thuận lợi cho đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức các hoạt động trong thời gian giữa hai kỳ họp. Theo đại biểu, điều này càng trở nên quan trọng đối với hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị tại địa phương và hoạt động tiếp xúc cử tri khi đưa ra các kiến nghị đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để giải quyết kiến nghị của cử tri ở địa phương. Để tăng cường hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị mỗi đoàn địa phương ở các tỉnh, thành phố có ít nhất 2 - 3 đại biểu theo số đại biểu được bầu tại địa phương đó.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã cho các ý kiến cụ thể về cơ chế, điều kiện bảo đảm hoạt động cho đại biểu Quốc hội; số lượng các Ủy ban của Quốc hội và cơ cấu thành viên Hội đồng, Ủy ban; việc nâng các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội thành Ban thuộc Quốc hội...
Quỳnh Hoa