Đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Ấn tượng với những đổi mới của kỳ họp
Đại biểu Nguyễn Công Long đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Quốc hội với các Nghị quyết thông qua tại Kỳ họp lần này. Những nghị quyết này xác định nội dung, nhiệm vụ cụ thể sẽ triển khai trong thời gian tới và liên quan tới các vấn đề thiết thực của xã hội.
Đại biểu Nguyễn Công Long cũng nhấn mạnh, Quốc hội đã thông qua những dự án luật quan trọng. Tuy nhiên, với Luật đất đai (sửa đổi) dự kiến được thông qua tại Kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định lùi lại trong kỳ họp gần nhất do cần thời gian nghiên cứu, xem xét thấu đáo. Ông nhận định, cách làm như vậy đã thể hiện trách nhiệm của Quốc hội với cử tri, đồng bào cũng như trước vận mệnh, yêu cầu phát triển của đất nước.
Chia sẻ về những đổi mới của Kỳ họp lần này, ĐBQH Nguyễn Công Long bày tỏ ấn tượng với phiên chất vấn: “Trước đây, khi chất vấn có các cơ quan của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội làm việc với các cơ quan được chất vấn, có chuẩn bị sẵn các nội dung được cử tri, ĐBQH quan tâm. Tuy nhiên, ở kỳ họp này, ĐBQH có thể hỏi bất cứ Bộ trưởng nào, về vấn đề gì mà họ quan tâm. Điều này đòi hỏi Bộ trưởng phải nắm chắc lĩnh vực của mình, có các phương án, chương trình kế hoạch để xử lý các vấn đề ĐBQh đặt ra”.
Sau khi Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV kết thúc, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội lại tiếp tục bắt tay vào các dự án, dự thảo của Kỳ họp tới. ĐBQH Nguyễn Công Long nhận định, quỹ thời gian này rất eo hẹp, chưa kể Quốc hội đã triển khai ngay các nội dung giám sát quan trọng mà Nghị quyết của kỳ họp thông qua. Do đó các cơ quan, ĐBQH phải tập trung cao độ để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Từ thực tế này, Đại biểu Nguyễn Công Long đặt ra vấn đề, phải tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách để đáp ứng được các nội dung quan trọng cũng như khối lượng công việc lớn như trên.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Hoạt động giám sát rất hiệu quả
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá, Quốc hội khóa 15 có nhiều đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Đồng hành với Ủy ban thường vụ Quốc hội trong quá trình tham mưu cho Quốc hội về những nội dung có liên quan thì việc đổi mới các hoạt động của Quốc hội là một điều mà Ủy ban thường vụ Quốc hội rất quan tâm. Trong quá trình lập pháp giám sát và quyết định, các vấn đề quan trọng đều được nâng cao đều được đổi mới và bổ trợ cho nhau trong quá trình xây dựng hiệu lực, hiệu quả của hoạt động Quốc hội.
Đối với hoạt động giám sát thì năm 2023, đại biểu đánh giá hoạt động giám sát của Quốc hội đã từng bước đổi mới, nâng cao và đúng như lời của Chủ tịch Quốc hội đã nói “Giám sát để kiến tạo và phát triển”.
Tại kỳ họp này, hoạt động giám sát đã có nhiều đổi mới. Quá trình giám sát không chỉ là để giám sát những vấn đề đã được Quốc hội thông qua tại các nghị quyết mà giám sát ngay việc mà các nghị quyết đang tổ chức triển khai thực hiện và đặc biệt là giám sát sẽ là cơ sở quan trọng để phục vụ cho quá trình lập pháp, quá trình xem xét, thẩm tra các dự án luật.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng đây là một cơ sở rất quan trọng, ngoài việc là cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra các dự án luật có báo cáo đánh giá tác động cũng như báo cáo việc thực hiện tổng kết thực hiện luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng như Quốc hội sẽ tổ chức giám sát chuyên đề tối cao và giám sát chuyên đề tối cao này nó được phạm vi rất rộng. Từ phạm vi này sẽ giúp cho Quốc hội, giúp cho đại biểu Quốc hội có cơ sở nhìn nhận, đánh giá và cho ý kiến khi tham gia dự án luật.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng với cách làm như thế này thì sẽ giúp cho các dự án luật đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất. Đặc biệt, đồng hành với việc giám sát thì Quốc hội sẽ tập trung vào quá trình xây dựng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng mà trong đó có một điều rất quan trọng trong hoạt động giám sát, đó chính là lấy phiếu tín nhiệm. Thông qua việc sửa đổi các luật và hoạt động giám sát và lấy phiếu tín nhiệm thì sẽ giúp cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan chủ trì thẩm tra có cách nhìn, và đánh giá một cách toàn diện hơn và luật khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp sẽ sớm đi vào cuộc sống. Đại biểu cho rằng với cách làm đổi mới trong hoạt động giám sát chuyên đề như thế này thì sẽ giúp cho các đại biểu Quốc hội, giúp cho Quốc hội có cách nhìn tốt hơn.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng): Nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành giải đáp được vấn đề cử tri quan tâm
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội lùi thông qua dự án Luật đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đại biểu đánh giá đây là quyết định hết sức cần thiết bởi trong dự án Luật có nhiều điểm chưa thống nhất, chưa giải quyết được những vấn đề nêu ra trong thực tế.
Những vấn đề “chưa chín”, chưa thống nhất cần lùi lại để đảm bảo dự án luật thông qua đi vào cuộc sống. Đây là quyết định đúng đắn của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các Đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhìn nhận, không khí kỳ họp rất sôi nổi, dân chủ và tôi đặc biệt ấn tượng với phiên chất vấn. Lần đầu tiên, chúng ta chất vấn được chia theo 4 nhóm ngành. Từ đó có nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời được nhiều hơn nguyện vọng của cử tri.
Theo thống kê, trong phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ và cả ba Phó Thủ tướng Chính phủ, 21 Bộ trưởng, trưởng ngành làm rõ vấn đề cử tri, dư luận quan tâm. Theo đại biểu đây là kỳ chất vấn thành công. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh mong việc này tiếp tục trong thời gian tiếp theo.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội): Kỳ họp đầy tính thiết thực
Đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá, kỳ họp khá quan trọng bởi có nội dung đánh giá giữa nhiệm kỳ của 2,5 năm trước. Đồng thời đặt ra lộ trình của 2,5 năm sau, cho nhiệm kỳ sau. Rõ ràng, những nhiệm vụ đó là rất lớn. Đồng thời, chúng ta có vấn đề lấy tín nhiệm, đánh giá vị trí được Quốc hội bầu. Đây là cơ hội để bản thân những người giữ trọng trách tự kiểm điểm đánh giá lại mình và là cơ hội đại biểu Quốc hội đánh giá của nhân dân đối với vị trí đó. Chương trình kỳ họp nặng, nội dung lớn, cách thức tổ chức khá hiệu quả. Đặc biệt tính chất năng động, linh hoạt, những nội dung thảo luận thẳng thắn.
Trong thảo luận thì có dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là những luật được thông qua kỳ này. Nhưng khi đại biểu thảo luận và cho thấy có nhiều vấn đề cần tiếp tục trao đổi và hoàn thiện. Như vậy ngay lập tức Quốc hội đưa ra quy định là lùi không thông qua chuyển sang kỳ sau để tiếp tục thời gian xây dựng tốt hơn. Điều đó cho thấy chúng ta không chạy theo kế hoạch, tiến độ mà quan trọng nhất mong muốn chất lượng luật pháp được ban hành có tác động cho sự phát triển...bổ sung mới ngay khi bước vào kỳ họp. Thể hiện có cách thức hành động phù hợp, kịp thời so với diễn biến bối cảnh thế giới.Tổ chức linh hoạt như thế thực sự cuộc họp mang lại hiệu quả và thiết thực.
Đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Quốc hội ngày càng gắn với cử tri và mang hơi thở cuộc sống hơn
Đại biểu Nguyễn Tạo đánh giá, với những dự án luật thông qua và dự án luật cho ký kiến, Quốc hội đã tập trung trí tuệ hơn, đảm bảo dân chủ công khai bằng nhiều phiên truyền hình trực tiếp đến cử tri trong cả nước. Qua kỳ họp lần này, chúng ta tiến dần từng bước tổ chức hoạt động Quốc hội ngày càng tốt hơn, gắn với cử tri hơn, hơi thở cuộc sống.
Chúng ta chuẩn bị dự thảo Luật Đất đai một cách tốt nhất. Đặc biệt khi sửa đổi Luật đất đai qua nhiều cuộc họp, lấy ý kiến nhân dân… Mở rộng hết sức thiết thực đời sống nhân dân, phù hợp với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Xây dựng luật lần này bám sát chặt chẽ với người dân.
Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng chưa được thông qua, đặc biệt sau vụ SCB TP Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ điều chỉnh, sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng một cách hoàn thiện, chặt chẽ hơn.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình: Quốc hội đã thực hiện đổi mới trong hoạt động chất vấn
Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, sau 2 đợt họp với 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, sôi nổi, đổi mới, trí tuệ, trách nhiệm và đồng thuận cao, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình của kỳ họp, được cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá cao.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc đánh giá, kỳ họp thứ 6 có khối lượng công việc rất lớn, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, yêu cầu cao về chất lượng, tiến độ như: Quốc hội đã xem xét thông qua 7 dự án luật và 5 nghị quyết; cho ý kiến vào 10 dự án luật, trong đó có 8 luật cho ý kiến lần đầu. Đồng thời, xem xét đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ngân sách nhà nước năm 2023, đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; xem xét quyết định phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024…và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), tại Kỳ họp các ĐBQH đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào dự án luật, tuy nhiên, đây là hai dự án luật khó, việc sửa đổi có ảnh hưởng đến nhiều dự án luật khác. Đây cũng là hai dự án luật lớn, có tác động trực tiếp đến đời sống Nhân dân, và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong quá trình thảo luận còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau, cần có thời gian để phân tích, đánh giá thêm và nghiên cứu kỹ nhằm đảm bảo tính khả thi khi luật được thông qua. Chính vì vậy, tại Kỳ họp này Quốc hội thống nhất chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để tiếp tục nghiên cứu, rà soát sửa đổi cho phù hợp và sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp gần nhất.
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tập trung trí tuệ, phát huy tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị kỹ các nội dung để phát biểu tại các phiên thảo luận ở tổ và hội trường trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, xây dựng.
Tại kỳ họp, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (3 Chương trình mục tiêu quốc gia). Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đồng thời với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, có phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới. Việc tiến hành giám sát đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn các chương trình bắt đầu triển khai thực hiện, để Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành; qua đó, thể hiện rõ quan điểm, sự nỗ lực, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong việc triển khai thực hiện các chương trình.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp là nội dung quan trọng, được cử tri và Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm và luôn chú ý theo dõi. Quốc hội đã dành 2,5 ngày để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Có thể khẳng định, đây là phiên làm việc có nhiều đổi mới cả về cách thức tổ chức và nội dung, khẳng định vai trò giám sát tối cao của Quốc hội đối với những vấn đề quốc kế dân sinh, được dư luận, cử tri và Nhân dân đồng tình, ghi nhận, đánh giá cao. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao.
Quốc hội đã thực hiện đổi mới trong hoạt động chất vấn. Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề mà chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội; việc thực hiện lời hứa, cam kết của các Bộ trưởng, trưởng ngành trong 4 lĩnh vực: kinh tế tổng hợp - vĩ mô; kinh tế ngành; văn hóa, xã hội; tư pháp, nội chính và kiểm toán Nhà nước. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc chất vấn của ĐBQH và trả lời của người được chất vấn, vừa bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, vừa bao quát được các lĩnh vực đã được giám sát. Đây cũng là lần đầu tiên, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và 21 Bộ trưởng, trưởng ngành đều trực tiếp trả lời chất vấn. Trong đó, có những người tuy đảm nhận vị trí chưa lâu nhưng đã nắm rõ lĩnh vực mình phụ trách, đưa ra các câu trả lời ấn tượng và khá thuyết phục.
Một điểm nhấn đáng chú ý tại phiên chất vấn lần này được ghi nhận là sự chia sẻ, đồng hành giữa Quốc hội và Chính phủ. Quốc hội đổi mới cách thức tổ chức chất vấn và các thành viên Chính phủ cũng rất nỗ lực phối hợp, nắm chắc vấn đề và đưa ra giải pháp để giải quyết các vấn đề đặt ra. Qua hoạt động chất vấn cho thấy, việc lựa chọn, quyết định nội dung chất vấn đã bám sát thực tiễn, “đúng”, “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, đều là những nội dung vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, nghiêm túc, bảo đảm theo quy định của pháp luật. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh trung thực, khách quan thực tế trong việc đánh giá những người được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong công tác điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ được giao. Qua đó, các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm cũng biết rõ mức độ tín nhiệm được “định lượng” của bản thân để xác định nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm hoàn thành tốt hơn nữa sứ mệnh, trọng trách của mình trong thời gian tới.