Qua theo dõi phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trên sóng phát thanh và truyền hình, nhiều cử tri đã bày tỏ sự đồng tình và đóng góp thêm nhiều ý kiến.
Ông Ngô Đức Phiến, cán bộ Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng: Các đại biểu đã tập trung đánh giá khách quan, trung thực và đúng đắn về thực trạng quản lý, thực thi pháp luật đất đai hiện nay; đồng thời làm rõ các bất cập, thiếu sót trong hệ thống pháp luật; đưa ra được những kiến nghị, đề xuất cụ thể để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn, hạn chế những khiếu kiện bức xúc trong nhân dân.
Từ quá trình triển khai thực hiện tại Hà Nội, ông Phiến cho biết, khó khăn nhất trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng là việc tự thỏa thuận với người dân. Thực tế, người dân luôn yêu cầu chủ đầu tư phải chấp thuận giá bồi thường và các chính sách hỗ trợ cao hơn rất nhiều so với quy định của Nhà nước mà không căn cứ vào loại đất, mục đích sử dụng. Do vậy, trên địa bàn Hà Nội, mới có 33 trường hợp thực hiện hình thức nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có 9 trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận thành công, còn lại đều vướng mắc và đang xin điều chỉnh theo hướng Nhà nước thu hồi đất.
Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Yên bày tỏ đồng tình với dự thảo luật về sở hữu đất đai và về Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách cụ thể khuyến khích tích tụ ruộng đất và quy định thời hạn sử dụng đất là 50 năm đối với đất nông nghiệp. Như vậy mới khuyến khích người dân yên tâm đầu tư bằng các giải pháp thâm canh để tăng giá trị nông sản. Luật cần quy định đối với đồng bào dân tộc thiểu số nên nâng mức hạn điền nhiều hơn so với các vùng khác vì đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu của họ.
Đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, luật sư Nguyễn Văn Tờn, chuyên gia về đất đai của Văn phòng Luật sư THT, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho rằng: Luật Đất đai năm 2003 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn có nhiều bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, tài chính đất đai và giá đất... gây nên nhiều bức xúc trong xã hội. Chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã, cấp huyện còn hạn chế, tính khả thi chưa cao, chủ yếu mang tính định hướng sử dụng đất của từng địa phương, tình trạng bố trí công trình, dự án hoặc thỏa thuận địa điểm công trình vẫn còn nằm ngoài phạm vi quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh còn nặng về phân bố đất cho các công trình nhỏ lẻ, thiếu tầm nhìn về chiến lược lâu dài, chưa thể hiện được vai trò điều tiết vĩ mô rong việc lập quy hoạch.