Cử tri với Quốc hội: Chính sách du lịch cần đồng bộ, hiệu quả

Chiều 5/6, phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực văn hóa - thể thao và du lịch thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Lai Châu.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nhiều cử tri đánh giá, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, sát thực tế, đi vào vấn đề trọng tâm; hầu hết đại biểu sử dụng hợp lý thời gian để trình bày quan điểm của mình. Bên cạnh đánh giá mặt tích cực, đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành du lịch và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; vấn đề phát triển văn hóa, thể thao và du lịch miền núi.

Theo ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh Đồng Nai, trước khi đầu tư phát triển văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải xây dựng hạ tầng cho vùng này, từ giao thông, điện, nước và các thiết chế cần thiết (internet) để nâng cao cuộc sống vật chất và dân trí cho người dân. Đồng bào các dân tộc có di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc nên cần được các cấp hỗ trợ nguồn lực để vừa bảo tồn, vừa phát huy giới thiệu nét đẹp với du khách. Có chương trình, chính sách đào tạo đồng bào các dân tộc trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể thao để chính họ có thể làm chủ, trao truyền cho các thế hệ.

Ông Trần Quang Toại cho rằng, Nhà nước đã khẳng định du lịch là ngành công nghiệp không khói mang lợi nhuận cao, cần phát huy. Đây là định hướng đúng, nhưng du lịch vẫn còn manh mún, nhiều công ty du lịch (lưu trú, lữ hành, ẩm thực), công ty hàng không nhưng mạnh ai nấy làm, thậm chí cạnh tranh nhau không lành mạnh chỉ nhằm lợi ích cục bộ.

Du lịch bao gồm rất nhiều loại hình như du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch đêm, giải trí, ẩm thực. Trong đó du lịch đêm là một loại hình biết tận dụng thời gian, không gian vào đêm để thu hút du khách và tạo ra các hoạt động hấp dẫn để khách chi tiêu. Khách nước ngoài khi đến Việt Nam rất thích loại hình du lịch đêm. Muốn phát triển loại hình này, các cơ quan Nhà nước phải có cơ chế, chính sách đồng bộ, từ tổ chức, quản lý đến các hoạt động; đồng thời biết tạo ra một không gian du lịch đêm bằng nhiều hoạt động từ âm nhạc, nghệ thuật, cộng đồng đến ẩm thực (không phải tỉnh nào cũng chợ đêm, phố đi bộ như hiện nay). Từ đó, khách du lịch có thể hòa đồng với khách bản địa. Các đơn vị liên quan cũng cần nghiên cứu kỹ đối tượng du lịch đêm để biết được sở thích của họ nhằm hoạch định thời gian, không gian và các dịch vụ cung ứng thích hợp. Sản phẩm du lịch phải được đầu tư, đổi mới không ngừng mới thu hút du khách, tránh hiện tượng các địa phương có những sản phẩm du lịch na ná nhau (du lịch miệt vườn với đờn ca tài tử, chợ nổi).

Với đặc thù là tỉnh miền núi, giàu bản sắc văn hóa các dân tộc, cử tri Lai Châu rất quan tâm đến các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dưới góc độ quản trị doanh nghiệp, ông Hoàng Quốc Việt, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch Pu Lai Châu cho rằng, trong khoảng 5 năm trở lại đây, tỉnh Lai Châu đã quan tâm đến phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, tính đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Theo ông Hoàng Quốc Việt, để làm du lịch cần đồng bộ rất nhiều mục tiêu. Bài toán đặt ra là vừa phải đầu tư nhưng cũng cần làm tốt công tác truyền thông để thu hút khách đến. Các công ty lữ hành cũng phải xây dựng những sản phẩm ấn tượng, phù hợp bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Mấu chốt của thành công là các chính sách để thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần phù hợp, đồng bộ, hiệu quả và phải bền vững mới tạo điểm nhấn...

Góp ý về việc hỗ trợ cho các vận động viên, theo ông Phạm Văn Hoàng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, hầu hết vận động viên ở nước ta chưa hoàn thành chương trình học vấn phổ thông cũng như đại học chuyên ngành; đào tạo việc làm cho các vận động viên “về hưu” là không thể. Đây là những nguyên nhân khiến việc bố trí công việc để có thêm thu nhập cho họ càng thêm khó. Chính phủ nên xem xét, có chính sách hỗ trợ vận động viên “về hưu” được tham gia làm việc trong các ngành nghề dịch vụ; hỗ trợ vốn để họ buôn bán, mở cơ sở kinh doanh.

Công Phong - Việt Dũng (TTXVN)
Cử tri với Quốc hội: Trăn trở bảo tồn nghệ thuật truyền thống
Cử tri với Quốc hội: Trăn trở bảo tồn nghệ thuật truyền thống

Có chính sách cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, bảo tồn nghệ thuật truyền thống, giải bài toán việc làm cho vận động viên... là những vấn đề cử tri quan tâm trong chương trình chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 5/6, đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN