Cử tri với Quốc hội: Cần xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng

Ngày 9/11, phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), được Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước.

 

Tạo động lực huy động nhân dân chống tham nhũng


Nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, Tiến sĩ Hồ Bá Thâm, nguyên Giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tại Cần Thơ cho rằng: Một thể chế mà có quyền lực tuyệt đối, không hoặc ít bị kiểm soát sẽ nảy sinh, dung dưỡng tham nhũng tuyệt đối, phổ biến, nghiêm trọng. Đó là thể chế mà dù không muốn tham nhũng cũng bị tham nhũng. Do vậy, phải xây dựng thể chế mà ở đó toàn bộ quyền lực thật sự thuộc về nhân dân; các chủ thể quyền lực rõ ràng; các thủ tục hành chính đơn giản, nhất quán, liên thông. Thể chế này chủ yếu là Nhà nước vì nhân dân, phục vụ nhân dân, nhà nước trong lòng dân, mang tính tôn dân và là công bộc phục vụ nhân dân.


Tiến sĩ Hồ Bá Thâm nhất trí với các giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), cũng như Luật Phòng, chống tham nhũng. Các giải pháp này đều rất cần thiết và hiệu quả. Tuy nhiên, cần tập trung tìm ra giải pháp đột phá và lâu bền.

 

Minh bạch các thiết chế tài chính


Luật sư Nguyễn Văn Tâm - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Lạc Việt cho rằng: Kể từ khi luật ra đời và có hiệu lực, việc kê khai tài sản vẫn chỉ là hình thức. Nhiều người đã “tẩu tán” tài sản của mình dưới nhiều hình thức, trong đó có việc nhờ người khác đứng tên hoặc chuyển khoản cho người khác.


Muốn kê khai được minh bạch, phải kiểm soát được nguồn thu, chi. Như vậy, các thiết chế tài chính cũng cần phải minh bạch và tiến hành đồng loạt.


Theo luật sư Nguyễn Văn Tâm, để phòng chống tham nhũng có hiệu quả, điều quan trọng nhất là cách làm. Bộ máy phòng, chống tham nhũng phải có quyền thanh tra, kiểm tra đột xuất, bất ngờ, chứ phòng, chống tham nhũng mà theo từng đợt cao điểm thì khác gì chỉ điểm cho người vi phạm.


Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: Ngoài việc công khai, minh bạch trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, mua sắm công, an sinh xã hội…, dự thảo cũng cần quy định việc công khai trong công tác tổ chức cán bộ. Việc kê khai phải được tiến hành thường xuyên. Ngoài ra, dự thảo cần quy định người có thu nhập cao phải có trách nhiệm giải trình về khối tài sản mình có, nếu không giải trình được sẽ phải tịch thu tài sản. Cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức tham nhũng hoặc để xảy ra tham nhũng.


Ông Phạm Minh Chánh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa cho rằng: Thực tế, công tác phòng, chống tham nhũng đã được các cấp, các ngành, các địa phương làm, nhưng chỉ ở mức độ thấp, chưa có tác động lớn, chưa thực sự đem lại hiệu quả. Chẳng hạn, việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập của cán bộ từ cấp phó, trưởng phòng trở lên, chỉ mới ở mức phổ biến nội bộ, do vậy nhiều cán bộ, nhân viên trong đơn vị, cơ quan không biết. Ông đề nghị Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần quy định chặt chẽ hơn, minh bạch hơn việc công khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với tính hợp pháp về tài sản, thu nhập của mình, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức hữu quan phát hiện hành vi tham nhũng.

 

Báo chí đóng góp quan trọng


Dự thảo luật quy định báo chí phải cung cấp thông tin tham nhũng cho cơ quan chức năng. Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Lạc Việt cho rằng, nếu làm như vậy sẽ vô tình triệt tiêu vai trò tham gia đấu tranh chống tiêu cực của báo chí. Mặt khác, quy định này sẽ khiến báo chí gặp nhiều rủi ro, khi mà thông tin báo chí cung cấp cho cơ quan chức năng chưa được kiểm định, nếu kiểm định mà không chính xác hoặc chưa đủ chứng cứ.


Về vấn đề liên quan đến báo chí, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo cần xác định rõ cơ quan có thẩm quyền để báo chí cung cấp thông tin là cơ quan nào. Điều này không phù hợp với Điều 7 Luật Báo chí. Trên thực tế, báo chí đóng góp quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, là kênh chủ yếu phát hiện, cũng như để nhân dân giám sát nạn tham nhũng. Nhưng trong thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp, phóng viên viết bài chống tham nhũng, thay vì cơ quan có chức năng, người có chức vụ tiến hành xác minh thông tin, lại truy vấn phóng viên đã lấy nguồn tin ở đâu, do ai cung cấp.

 

Làm tốt công tác giáo dục con người


Ông Trần Văn Hạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa cho rằng: Tham nhũng hay không tham nhũng đều xuất phát từ con người. Một khi người đó tự đặt mình trong khuôn khổ của pháp luật, của tổ chức, chấp hành tốt việc quản lý tài sản, tiền bạc, thì ít có khả năng xảy ra tham nhũng.


Vấn đề cốt lõi vẫn là công tác giáo dục con người. Việc giáo dục phải làm từ gốc, làm sao các thế hệ trẻ, lớp cán bộ kế cận phải có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần vì mọi người. Các cấp, các ngành tiếp tục triển khai học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tiến hành nghiêm túc đợt sinh hoạt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.

 

Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng


Ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng, cho rằng, qua 6 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực, đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ một số hạn chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Một trong những nguyên nhân là một số biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng chưa có cơ chế vận hành cụ thể, gây khó khăn, lúng túng cho việc tổ chức thực hiện. Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng cho phù hợp.


Theo Luật sư Đỗ Pháp (thành phố Đà Nẵng), những quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; việc sửa đổi quy định về Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng; công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng; cơ chế bảo vệ người tố cáo cũng như thân nhân người tố cáo tham nhũng… cần phải được nghiên cứu kỹ và dứt khoát phải đưa vào dự thảo luật...


Cử tri Nguyễn Ngọc Minh, cán bộ hưu trí, ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, có như thế mới tạo nên một xã hội lành mạnh; cần phải công khai, minh bạch việc quyết toán các công trình đầu tư cho dân biết, con cái của cán bộ đi học nước ngoài cần phải kê khai rõ ràng là nguồn gốc từ đâu ra, hàng năm cũng phải báo cáo tài sản tăng thêm, phải cương quyết thu hồi tài sản từ tham nhũng mà có... Có như thế mới dễ dàng phát hiện những hành vi tham nhũng và xử lý một cách triệt để...


Nhóm PV

Luật Phòng, chống tham nhũng phải phù hợp với thực tiễn
Luật Phòng, chống tham nhũng phải phù hợp với thực tiễn

Ngày 9/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Nội dung buổi làm việc quan trọng này được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN