Quan tâm nhiều đến quyền phụ nữ, trẻ em
Là một người đang làm công tác đoàn tại Quận 4, cử tri Lê Thùy Vân cho biết: Cử tri mong muốn các ứng cử viên ĐBQH ngoài những vấn đề đặt ra trong chương trình hành động, cần quan tâm hơn nữa đến chính sách, công tác đào tạo nghề cho lao động nữ; đảm bảo lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách đào tạo nghề riêng cho phụ nữ; có các giải pháp hỗ trợ, bảo đảm cho nữ giới có cơ hội lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực, sở trường phù hợp thị trường lao động; phát triển dịch vụ gia đình (như chăm sóc người già, trẻ em) giúp giảm bớt thời gian làm việc nhà để phụ nữ có cơ hội được đào tạo, đầu tư cho chuyên môn nghiệp vụ, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khẳng định vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Tương tự, cử tri Lê Đăng Khoa, ngụ Quận 7 cho biết: "Chúng tôi hy vọng các ĐBQH, đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh cần kiên trì theo đuổi và đề xuất giải pháp cụ thể cho việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, cần có hành động quyết liệt chống nạn bạo lực gia đình, bạo hành, xâm hại trẻ em… khắc phục tình trạng rườm rà, nhiêu khê trong các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chăm lo cho người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em…"
Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri ở các quận, bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, Thành ủy viên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh cho biết, chương trình hành động của bà sẽ tập trung vào việc tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân nói chung; quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em nói riêng nhằm tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng và phát triển. Đặc biệt, bà Nguyễn Trần Phượng Trân sẽ quan tâm nhiều đến việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và các chính sách an sinh xã hội như: chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chính sách người có công, các chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em... để họ được chăm sóc và bảo vệ tốt hơn cũng như đóng góp cho các chính sách phát huy vai trò phụ nữ trong xây dựng, chăm lo hạnh phúc gia đình; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
Phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của TP Hồ Chí Minh
Từng là người có thời gian gắn bó với TP Hồ Chí Minh trong vai trò Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, trước khi nhận nhiệm vụ làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ông Trần Lưu Quang cho biết, sau nhiều buổi tiếp xúc cử tri tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, đa số các cử tri đều mong muốn các ứng cử viên ĐBQH dù trúng cử ĐBQH khóa XV hay không, hy vọng các ĐBQH vẫn nỗ lực hết mình hoàn thành tốt nhiệm vụ hiện nay, luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, quan tâm và giải quyết tích cực những vấn đề mà cử tri mong mỏi về các vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cử tri, thực hiện tốt trách nhiệm người đại biểu của nhân dân.
Theo ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, chương trình hành động của ông sẽ tập trung đề xuất với Quốc hội các vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân TP Hồ Chí Minh, đến sự phát triển kinh tế xã hội của TP Hồ Chí Minh; tiếp tục quan tâm gắn kết và hợp tác phát triển giữa các tỉnh, thành trong cả nước, cụ thể là kết nối Hải Phòng với TP Hồ Chí Minh. Trong mối liên kết giữa các tỉnh,thành, TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, sẽ dẫn dắt và giúp các tỉnh, thành khác phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội.
Là người làm trong lĩnh vực tòa án, Thiếu tướng Dương Văn Thăng, Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương cho rằng, vấn đề quan tâm hiện nay của các cử tri là việc xây dựng và giám sát thực thi pháp luật được nghiêm minh và công bằng. Vì vậy, chương trình hành động của Thiếu tướng Dương Văn Thăng sẽ tập trung vào hành động kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, loại bỏ những hành vi “hành dân”, đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý. Ngoài ra, thiếu tướng sẽ góp tiếng nói giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của TP Hồ Chí Minh, giải quyết các vấn đề nhân dân thành phố quan tâm, như: quản lý đất đai đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải cách hành chính, bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Trong khi đó, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, chương trình hành động của ông Lâm Đình Thắng sẽ tập trung cho đề án xây dựng đô thị thông minh và chương trình chuyển đổi số tại Thành phố. Từ đó, tạo cơ sở thực tiễn và thông tin để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ những chính sách pháp luật, những chủ trương thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của quốc gia và các địa phương, góp phần giúp cuộc sống người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đang đô thị hóa, phát triển tốt đẹp, giúp công việc của cơ quan nhà nước nhanh, hiệu quả và doanh nghiệp không bị phiền hà, hoạt động thuận lợi… Ngoài ra, xuất thân từ một cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ông Lâm Đình Thắng cũng dành nhiều sự quan tâm đến các vấn đề về môi trường, văn hóa, giáo dục và công tác thanh niên.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay công tác bầu cử tại TP Hồ Chí Minh đang bước vào cao điểm tiếp xúc cử tri, vì vậy các đơn vị bầu cử cần lưu ý đảm bảo phòng, chống dịch bệnh khi có diễn biến phức tạp. Đề cao tinh thần cảnh giác cao độ, thực hiện nghiêm biện pháp 5K của Bộ Y tế cũng như các chỉ thị của Thủ tướng, Ban Thường vụ Thành uỷ. Đối với công tác tiếp xúc cử tri trực tiếp tại các quận, huyện cũng cần thực hiện giãn cách theo quy định để đảm bảo công tác phòng dịch. Ngoài ra, các ủy ban bầu cư quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng cần có kế hoạch, phương án cụ thể như không tập trung quá đông về các hội trường trong thời gian tiếp xúc cử tri. Trong thời gian bầu cử, TP Hồ Chí Minh cũng đặt ra nhiều tình huống để có biện pháp xử lý kịp thời như: Một là trong tổ chức bầu cử có thực hiện giãn cách xã hội; thứ hai là tổ chức bầu cử cho cử tri đang cách ly tại nhà; thứ ba là tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung, khu vực bị phong toả; thứ tư là tổ chức bầu cử cho bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho người nghi nhiễm hoặc xác định nhiễm COVID-19. Mỗi trường hợp sẽ có một giải pháp phù hợp để việc bầu cử diễn ra thuận lợi, công bằng và minh bạch.