Tại hội nghị, các cử tri đã nghe báo cáo tóm tắt tiểu sử của từng người ứng cử và nghe những người ứng cử trình bày chương trình hành động của mình nếu được bầu. Cử tri bày tỏ mong muốn các ứng cử viên nếu được bầu phải thường xuyên gắn bó, tiếp xúc cử tri để đưa nguyện vọng, tiếng nói cử tri đến nghị trường Quốc hội.
* Tại Hà Giang: Hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 tại đơn vị bầu cử số 1 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, kết nối với 95 điểm cầu tại các xã, thị trấn của 6 huyện, thành phố gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Bắc Mê và thành phố Hà Giang.
Tại hội nghị, các ứng cử viên đều hứa trước cử tri, nếu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, luôn lắng nghe, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, vấn đề cử tri quan tâm tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, tích cực xây dựng Hà Giang ngày càng phát triển...
Bày tỏ thống nhất cao với chương trình hành động của các ứng cử viên, cử tri các địa phương mong muốn: Nếu trúng cử, các đại biểu sẽ phát huy tốt khả năng, sở trường và kinh nghiệm công tác; luôn năng động, sáng tạo, nói đi đôi với làm để hoàn thành tốt lời hứa với cử tri cũng như chức trách, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử...
Thay mặt các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Hà Giang, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đặng Quốc Khánh ghi nhận các ý kiến của cử tri.
Ông Đặng Quốc Khánh khẳng định, đối với vấn đề cử tri quan tâm, ông sẽ cố gắng với quyết tâm cao nhất cùng tập thể lãnh đạo tỉnh Hà Giang thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Đợt tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc đơn vị bầu cử số 1 và đơn vị bầu cử số 2 tỉnh Hà Giang được tổ chức bằng hình thức trực tuyến trong 2 ngày 11-12/5.
Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Hà Giang, tỉnh có hai đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, được bầu 6 đại biểu trong số 9 người ứng cử; 13 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII nhiệm kỳ 2021-2026, được bầu 57 đại biểu trong số 92 người ứng cử, 91 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, được bầu 370 đại biểu trong số 620 người ứng cử, 1.165 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã, được bầu 4.054 đại biểu trong số 6.822 người ứng cử.
Công tác chuẩn bị bầu cử trên địa bàn tỉnh được triển khai khẩn trương, nghiêm túc, đúng quy định; đồng thời đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.
* Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị tỉnh Đồng Tháp đã có buổi tiếp xúc trực tiếp với cử tri 6 xã, 1 thị trấn thuộc hai huyện biên giới là Tân Hồng và Hồng Ngự (đơn vị bầu cử số 1).
Tại các điểm tiếp xúc, mỗi ứng cử viên đã trình bày chương trình hành động của mình nếu được cử tri tín nhiệm làm đại biểu Quốc hội khoá XV. Các ứng cử viên cũng cho rằng, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao đối với cử tri địa phương nói riêng và cử tri tỉnh Đồng Tháp nói chung. Các ứng cử viên bày tỏ tâm huyết sẽ tận tâm tận lực, vận dụng chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm của bản thân, phát huy thật tốt vai trò của người đại biểu nhân dân.
Cử tri huyện Tân Hồng và Hồng Ngự bày tỏ phấn khởi và đánh giá cao đội ngũ ứng cử viên lần này và đồng thuận với chương trình hành động ứng cử viên đề ra. Cử tri mong muốn các ứng cử viên khi đắc cử cần thường xuyên gắn bó, tiếp xúc cử tri để đưa nguyện vọng, tiếng nói cử tri đến nghị trường Quốc hội; có giải pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư khu vực biên giới để tạo việc làm, ổn định đời sống cho người dân; đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện tốt bình đẳng giới,... từ đó nâng cao chất lượng đời sống người dân trên địa bàn.
Cùng ngày, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Đồng Tháp (đơn vị số 3) cũng có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Châu Thành và Lai Vùng. Dự kiến các ứng cử viên sẽ tiếp xúc cử tri đến ngày 15/5.
Tỉnh Đồng Tháp có 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, số đại biểu được bầu là 8 người, số người ứng cử là 14. Cụ thể, đơn vị bầu cử số 1 gồm thành phố Hồng Ngự và 3 huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông. Đơn vị bầu cử số 2 gồm thành phố Cao Lãnh và 3 huyện: Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười. Đơn vị bầu cử số 3 gồm thành phố Sa Đéc và 3 huyện: Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành. Trong số 14 ứng cử viên, có 5 người tái ứng cử; 1 người ngoài Đảng và 8 người là nữ. Về trình độ chuyên môn, có 3 ứng cử viên là tiến sĩ, 7 ứng cử viên là thạc sĩ, 3 ứng cử viên trình độ đại học và 1 ứng cử viên trình độ trung cấp
* Tại Vĩnh Long: Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đơn vị bầu cử số 2, gồm các xã: Thành Lợi, Tân Bình, Tân Lược, Tân An Thạnh và thị trấn Tân Quới của huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.
Đơn vị bầu cử số 2 gồm 5 ứng cử viên: ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế; bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; ông Nguyễn Thanh Phong, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Long; bà Nguyễn Huỳnh Thu, Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long và bà Trần Thị Hồng Huyến, Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long).
Trình bày chương trình hành động, các ứng viên cho biết, luôn nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, trách nhiệm của Quốc hội; trách nhiệm của người đại diện cho ý chí, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân để đề xuất cách giải quyết những vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra, đáp ứng mong muốn của cử tri.
Các ứng cử viên cũng khẳng định sẽ tiếp tục phấn đấu hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của nhân dân, dành nhiều thời gian đi thực tế ở cơ sở để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân và đưa tiếng nói của nhân dân đến với nghị trường của Quốc hội.
Cử tri đều nhất trí cao với chương trình hành động do các ứng viên trình bày. Đồng thời, cử tri cũng đề nghị các ứng cử viên nếu trúng cử phải cùng các cấp, các ngành quan tâm giải quyết nhiều vấn đề gắn với thực tiễn cuộc sống tại địa phương như: Ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép; sớm đầu tư, mở rộng tuyến Quốc lộ 54 đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân; giải quyết đầu ra cho cán bộ đoàn quá tuổi, đáp ứng nhu cầu trẻ hóa và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đoàn; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở; giảm độ tuổi hưởng chính sách người cao tuổi từ 80 xuống còn 75...
Cử tri Phan Duy Khánh, xã Tân An Thạnh, huyện Bình Tân, băn khoăn về vấn đề “được mùa mất giá”, điệp khúc “trồng - chặt” một số loại cây trồng theo thời giá trong những năm qua. Đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của người nông dân, do đó, cần có những định hướng, quy hoạch cụ thể, thiết thực góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 hiện đang diễn biến phức tạp, cần có giải pháp để nhanh đẩy lùi dịch bệnh, đặc biệt, người dân rất mong sớm được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh có 2 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội với số đại biểu được bầu là 6 người, số người ứng cử là 10 người. Đơn vị bầu cử số 1 gồm các huyện: Bình Tân, Trà Ôn, Vũng Liêm và thị xã Bình Minh. Đơn vị bầu cử số 2 gồm các huyện Mang Thít, Long Hồ, Tam Bình và thành phố Vĩnh Long. Hiện, các địa phương của tỉnh cũng đã hoàn thành việc lập, niêm yết danh sách cử tri với gần 822.000 người.