Cử tri ghi nhận điểm tiến bộ trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Qua theo dõi phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013), cử tri tại các địa phương ngày 5/11 ghi nhận những điểm mới phù hợp, tiến bộ trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng thời góp thêm một số ý kiến vào Dự thảo.

Ông Phạm Hồng Phong, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang phát biểu ý kiến trong buổi làm việc chiều 5/11. Ảnh: Dương Giang – TTXVN


* Cần quy định rõ cơ chế bảo đảm việc thực hiện quyền con người


Luật sư Hoàng Huy Được (Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, để xây dựng đất nước hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đòi hỏi Hiến pháp cần quy định một cách rõ ràng về quyền con người và cơ chế bảo đảm việc thực hiện quyền con người, trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm cho việc thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Hiến pháp cần quy định một cách rõ ràng trong trường hợp nào thì những quyền nào của con người bị giới hạn, nếu không sẽ rất dễ bị lạm dụng và quyền con người rất dễ bị xâm phạm.

Việc hiến định quyền con người là một điều quan trọng, nhưng cơ chế bảo đảm thực thi quyền con người cũng là điều quan trọng không kém. Bởi nếu không quy định rõ, quyền con người rất dễ bị lạm dụng để hạn chế và các quyền con người cũng chỉ mang tính hình thức mà thôi.

Vì vậy, theo Luật sư Hoàng Huy Được, trong Hiến pháp cũng cần qui định cụ thể việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân, nghĩa vụ trách nhiệm của cơ quan công quyền trong việc bảo đảm quyền con người và quyền công dân…

Về chế định Viện Kiểm sát nhân dân, Luật sư Hoàng Huy Được cho rằng, Nghị quyết ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã quy định rõ: “Trước mắt, Viện Kiểm sát nhân dân giữ nguyên chức năng như hiện nay là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện Kiểm sát nhân dân được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của tòa án. Nghiên cứu việc chuyển viện kiểm sát thành viện công tố, tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra”.

Như vậy, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 giữ nguyên chế định Viện Kiểm sát nhân dân như hiện nay là chưa phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp. Theo Luật sư Hoàng Huy Được, việc chỉnh sửa các chế định về Viện Kiểm sát nhân dân nên thực hiện từng bước, bởi việc cải cách tư pháp cũng cần phải có lộ trình và bước đi thích hợp…

* Nhiều điểm mới phù hợp, tiến bộ hơn

Theo cử tri Lê Văn Minh, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch – Sở Thủy sản TP. Hồ Chí Minh, Quốc hội đã có những tiếp thu khá đầy đủ ý kiến đóng góp của nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… để hoàn thiện hơn cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. So với bản dự thảo được đưa ra lần đầu lấy ý kiến của nhân dân, thì bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có nhiều điểm mới, phù hợp hơn và tiến bộ hơn.

Về thành phần kinh tế trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Lê Văn Minh cho rằng như vậy là hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Chúng ta phải luôn khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Xác định rõ vai trò của nhà nước sẽ giúp nền kinh tế đi đúng hướng, đúng mục tiêu mà chúng ta hướng đến. Bên cạnh đó, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế sẽ giúp động viên, cổ vũ doanh nhân, doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Đó chính là điều quan trọng giúp huy động được tổng lực để phát triển kinh tế.

Về vấn đề chính quyền địa phương, theo ông Lê Văn Minh, Hiến pháp quy định cụ thể từng cấp như trong Dự thảo sẽ giúp ổn định và thống nhất trong quản lý hành chính cũng như quản lý ngân sách. Mặc dù hiện nay chúng ta đã thí điểm mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân ở một số cấp và đã đạt được những mặt tích cực, nhưng đó chỉ là thí điểm, cần đánh giá kỹ trước khi thực hiện.

Do đó, Hiếp pháp vẫn cần thiết quy định cụ thể chính quyền từng cấp, khẳng định vai trò của Hội đồng nhân dân ở địa phương để thực hiện đúng chức năng của mình. Một điểm đáng chú ý là bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 khẳng định “Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập” sẽ tạo cơ chế mở, thuận lợi cho các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh có thể tổ chức theo mô hình Chính quyền đô thị được thuận lợi về sau.

Về hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp, cử tri Nguyễn Đăng Quang, Ban Tuyên giáo Thành ủy Pleiku (Gia Lai) cho rằng, nên điều chỉnh, chặt chẽ hơn. Điều 124, khoản 4, đề nghị bỏ cụm từ “do Quốc hội quyết định” thay bằng cụm từ “là điều kiện bắt buộc”. Bởi vì viết như vậy thể hiện rõ hơn bản chất dân chủ của một nhà nước xã hội chủ nghĩa; việc trưng cầu dân ý là điều kiện bắt buộc phản ánh đúng được ý nguyện của nhân dân trong Hiến pháp.


Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Tiếp tục Chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội đã có mặt tại Hội trường thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN