Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng tiếp xúc cử tri tại quận Lê Chân. Ảnh: Minh Thu/TTXVN
Cử tri Hải Phòng đề xuất giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý hành chính
Trong 2 ngày 14 và 15/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri tại các quận, huyện gồm: Kiến An, Lê Chân, Vĩnh Bảo, Bạch Long Vỹ, Cát Hải để chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tại các buổi tiếp xúc, cử tri trên địa bàn thành phố Hải Phòng đều đồng tình rất cao với việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, trong đó có việc sáp nhập tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng. Cùng với nội dung này, nhiều đại biểu nêu ý kiến liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng AI trong quản lý hành chính.
Cử tri Phạm Hùng, Bí thư Quận đoàn Kiến An nêu, sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, không tổ chức cấp huyện, quy mô dân số, diện tích, chức năng nhiệm vụ chính quyền cấp xã sẽ tăng lên nhiều so với hiện nay. Việc bỏ cấp hành chính trung gian giúp tăng tốc độ ra quyết định và cải thiện hiệu quả điều hành. Điều này là phù hợp với xu hướng chuyển đổi số khi nhiều thủ tục hành chính có thể xử lý trực tuyến mà không cần qua cấp trung gian. Việc ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến không địa giới hành chính được xem là chìa khóa trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của chính quyền cơ sở. Ứng dụng chuyển đổi số giúp kết nối trực tiếp cấp tỉnh và cấp xã, giảm độ trễ trong xử lý công việc, tăng tính minh bạch và hiệu suất công việc. Khi thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến vừa giảm áp lực cho bộ máy vừa nâng chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Song để những hoạt động này đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa, cử tri Phạm Hùng đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu xem xét có các giải pháp như: cải cách thể chế để thu hút đầu tư công nghệ số trong các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số...
Còn cử tri Nguyễn Trọng Đại, Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin quận Lê Chân đề nghị, Chính phủ cần xây dựng giải pháp tổng thể, đồng bộ trong việc ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành và giải quyết thủ tục hành chính ví dụ như, việc gửi phản ánh, kiến nghị cần đơn giản hóa, cho phép gửi bằng cả văn bản và giọng nói thông qua ứng dụng hoặc nền tảng AI, hệ thống nên tự động phân loại, chuyển đúng cơ quan xử lý và phản hồi nhanh chóng, tạo sự thuận tiện và tin tưởng cho người dân...
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Lê Chân và huyện Bạch Long Vỹ. Ảnh: Minh Thu/TTXVN
Tiếp thu ý kiến cử tri các địa phương, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng và ông Đỗ Mạnh Hiến, Đại biểu Quốc hội, Phó Bí thư Thành ủy Hải Phòng đều khẳng định, kinh tế xã hội thành phố Hải Phòng tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, đặc biệt, Hải Phòng đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index 2024).
Về chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong quản lý hành chính công, lãnh đạo thành phố Hải Phòng khẳng định, thành phố đã có lộ trình bài bản triển khai các kế hoạch của Trung ương. Ông Lê Tiến Châu cho biết, ngày 9/4/2025, Thành phố Hải Phòng và Tập đoàn FPT ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thỏa thuận này là một trong những hoạt động đưa Hải Phòng phát triển hạ tầng số và nền tảng số đồng bộ, hiện đại cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Cử tri Lào Cai tin tưởng sau sắp xếp sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển
Ngày 15/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Mường Khương và Bảo Thắng nhằm lắng nghe, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn.
Về vấn đề sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nhiều cử tri đồng tình và ủng hộ cao việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Các cử tri tin rằng sau sắp xếp sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển. Tuy nhiên, một số cử tri băn khoăn việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có thể gây ra sự dư thừa các trụ sở. Do vậy, cần có kế hoạch sử dụng hợp lý để tránh gây nhiều lãng phí.
Buổi tiếp xúc đã ghi nhận nhiều kiến nghị của cử tri liên quan đến chính sách cán bộ, công chức, viên chức; phụ cấp biên giới; hạ tầng dân sinh, giao thông...
Cử tri huyện Mường Khương kiến nghị Trung ương xem xét điều chỉnh, bổ sung đối tượng được hưởng chế độ, chính sách theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP về Chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Ngoài ra, nội dung được cử tri vùng cao, biên giới Mường Khương đặc biệt quan tâm là chế độ phụ cấp đối với các xã biên giới. Theo phản ánh, huyện Mường Khương hiện có 9 xã biên giới, tuy nhiên, chỉ có 7 xã đang được hưởng phụ cấp đặc biệt 50% theo Thông tư số 09/2005/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Hai xã còn lại là Bản Lầu và Lùng Vai đến nay chưa được hưởng chế độ này, dù có địa hình rộng, giao thông khó khăn và có chiều dài đường biên giới đáng kể.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, lãnh đạo các huyện Mường Khương, Bảo Thắng cùng các sở, ngành đã phát biểu tiếp thu ý kiến, giải trình, làm rõ thêm các ý kiến của cử tri. Phát biểu tại các buổi tiếp xúc cử tri, bà Lê Thu Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ghi nhận, tiếp thu, đánh giá cao đồng thời trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung mà cử tri quan tâm.
Với các ý kiến thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai sẽ tổng hợp, gửi đến các bộ, ngành Trung ương và chỉ đạo các sở, ngành liên quan trong tỉnh xem xét trả lời, giải quyết trong thời gian sớm nhất, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân.