Cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 8 Chương, 73 Điều. Dự thảo luật nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.
Dự thảo luật khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Luật Công nghiệp công nghệ số thay thế các nội dung về công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin và bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn phát triển.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, căn cứ trên tình hình thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số, trí tuệ nhân tạo (AI) và điều chỉnh nội dung “vi mạch bán dẫn” thành “bán dẫn”.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nhất trí, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cơ bản đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương, của Đảng và chính sách của Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong hệ thống pháp luật, tương thích với với điều ước quốc tế có liên quan.
Đồng thời, ông cũng tán thành với việc thiết kế các chính sách và quy phạm mới mang tính đột phá, vượt trội để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số; cho rằng để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh, cụ thể hóa trong luật một số chính sách như hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư; sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp công nghệ số nội địa; chủ động triển khai kinh doanh ngành nghề mới, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp khởi nghiệp startup, liên kết tạo hệ sinh thái trong ngành Công nghiệp công nghệ số.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu toàn diện (sở hữu, quyền tài sản và quyền nhân thân đối với dữ liệu, vấn đề bảo hộ quyền tác giả…) để xây dựng một đạo luật riêng về AI của Việt Nam.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, tại thời điểm này Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý để điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo để phát triển thế mạnh, lợi thế của AI; đồng thời hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI. Do đó, cơ bản tán thành sự cần thiết quy định đối với các hệ thống AI được lồng ghép trong dự thảo Luật, song, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI đối với đời sống kinh tế, xã hội; nghiên cứu, phát triển AI do Việt Nam sáng tạo; cho phép các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo được sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan nhà nước; quy định mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan nhà nước từ các giải pháp do doanh nghiệp trong nước làm chủ...
Chuẩn hóa các khái niệm xuyên suốt trong luật
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá, đây là luật rất khó; đề nghị "rất cân nhắc" quy định về miễn trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm của dự thảo luật để bố trí các chính sách cho phù hợp, đảm bảo sự đồng bộ với pháp luật dân sự, hành chính và Bộ luật Hình sự.
Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, những quy định tại dự thảo luật chưa đủ mạnh mẽ để đảm bảo cho việc phát triển ứng dụng AI diễn ra một cách có trách nhiệm, có đạo đức; đề nghị bổ sung quy định nhằm hạn chế rủi ro của AI. Cụ thể như xem xét chi tiết hóa các nguyên tắc đạo đức như công bằng, minh bạch, trách nhiệm, an toàn và bảo mật trong phát triển ứng dụng công nghệ AI; xây dựng cơ chế giám sát tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, trí tuệ nhân tạo như việc thành lập Hội đồng đạo đức AI độc lập, bao gồm chuyên gia nhiều lĩnh vực...
“Thế nào là sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi hệ thống AI? Đề nghị làm rõ thêm nội hàm, không quy định chung chung dẫn đến tình trạng khó khăn trong thi hành”, ông Bùi Văn Cường nói.
Quan tâm đến lĩnh vực này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, AI là một lĩnh vực mới, đặt ra những thách thức về quản lý không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các quốc gia trên thế giới.
Do đó, để bảo đảm phân định rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ giữa người dùng, nhà cung cấp, nhà phát triển và bên triển khai, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần thiết lập định nghĩa rõ ràng cho các hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao. Việc quản lý các sản phẩm công nghệ số quan trọng đòi hỏi các tiêu chí được xác định rõ ràng và minh bạch.
"Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng đối với nội dung này", bà Nguyễn Thị Thanh nêu rõ.
Nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng luật pháp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, đây là luật khó, phức tạp; cần bám vào chủ trương, đường lối của Đảng để thể chế hóa, nhất là Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để tạo lập hành lang pháp lý cho triển khai mô hình lao động việc làm mới trên nền tảng công nghệ số. Cùng với đó, cần đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ của dự thảo luật với hệ thống pháp luật hiện hành; tham chiếu các quy định của dự thảo luật trong mối tương quan với quy định, văn bản, luật chuyên ngành đang được trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung; tiếp tục rà soát và điều chỉnh trên nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc giải thích, chuẩn hóa các khái niệm, đảm bảo cách hiểu xuyên suốt trong luật.