Chiều 4/9, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp. Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC dự buổi lễ.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp cho các đồng chí thẩm phán. Ảnh Việt Hưng. |
Tại buổi lễ, TANDTC đã công bố các Quyết định của Chủ tịch nước về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 340 Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã trao các quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước cho 169 Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp đang công tác tại Tòa án nhân dân các tỉnh miền Bắc.
Phát biểu tại buổi lễ, Chánh án Trương Hòa Bình chúc mừng các Thẩm phán vừa được bổ nhiệm và nhấn mạnh: Tòa án là cơ quan duy nhất nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đưa ra phán quyết xác định một người có tội hoặc không có tội và áp dụng các chế tài hình sự có thể tước đi sinh mạng, tự do thân thể, tài sản, lợi ích hay các quyền công dân khác của họ. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.
Để thực hiện tốt chức năng là cơ quan bảo vệ công lý đòi hỏi các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, thực sự mang lại công lý cho xã hội, bất kỳ sai sót nào sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của mình và uy tín của Nhà nước. Chính vì vậy, mỗi Thẩm phán phải luôn ý thức, giữ gìn hình ảnh đó bằng thái độ, trách nhiệm cao trong công việc và cuộc sống. Các Thẩm phán phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp; thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu và cập nhận các quy định của pháp luật; chú ý trau dồi các kiến thức xã hội, kỹ năng dân vận, trình độ ngoại ngữ, tin học và khả năng ứng dụng khoa học tiên tiến để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo Chánh án Trương Hòa Bình, trong hoạt động xét xử, các Thẩm phán phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật, giữ gìn, bảo vệ pháp luật, không thiên lệch, hết mực công tâm, không vì lợi ích riêng tư, bản lĩnh vững vàng để những phán quyết đúng pháp luật, thấu tình đạt lý. Nhất là các Thẩm phán phải thực hiện cho được lời dạy của Bác Hồ “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “gần dân, học dân, hiểu dân và giúp dân”; không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, tích cực thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Đại diện các Thẩm phán được bổ nhiệm hứa trên cương vị trọng trách của mình sẽ phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, giữ gìn phẩm chất đạo đức, ra sức phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Nguyễn Cường