Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn khẳng định thành tựu lớn nhất của Việt Nam trong giai đoạn trước dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chính là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp và giữ tỷ giá ổn định. Về mặt kinh tế đối ngoại, xuất khẩu tăng trưởng và Việt Nam tiếp tục ký nhiều hiệp định thương mại. Với tăng trưởng kinh tế thuộc loại cao trong khu vực ASEAN, cộng thêm yếu tố ổn định vĩ mô và duy trì được động lực tăng trưởng kinh tế là xuất khẩu, Việt Nam đã thu hút được một lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồi dào và ổn định. Nguồn vốn FDI cùng với kiều hối đã góp phần ổn định nguồn cung ngoại tệ cho quốc gia và giúp tăng quỹ dự trữ ngoại hối, là tiền đề để người dân và nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin vào đồng nội tệ.
Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn nhận định dịch COVID-19 năm 2020 dù đặt ra những thách thức lớn cho nền kinh tế và kéo tăng trưởng về mức 2,91%, khá thấp so với cả giai đoạn 5 năm, nhưng lại là một thành tựu lớn so với nhiều nước trên thế giới. Việc kinh tế Việt Nam vẫn có thể hoạt động mà không phải phong tỏa liên tục nhiều tháng như nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, đảm bảo tăng xuất khẩu tăng trưởng ở mức 6,5% so với năm 2019, có thể xem là một kỳ tích. Bằng chứng rõ ràng nhất cho thành quả điều hành kinh tế-xã hội của Việt Nam là hình ảnh đêm giao thừa chuyển sang Năm mới 2021 nhộn nhịp ở Việt Nam, đối lập với khung cảnh vắng lặng ở nhiều nước.
Chuyên gia này nêu rõ dù những thành tựu trên không thể làm lu mờ những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, song tổn thất kinh tế đã được giảm xuống mức thấp nhất so với nhiều nước. Ngoài việc kiểm soát dịch hiệu quả, một trong những nguyên nhân giúp Việt Nam thành công trong năm 2020 là thúc đẩy chi tiêu công tăng mạnh, giải ngân vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 34,5% so với năm 2019. Đặc biệt, đầu tư công đã được giải ngân vào các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế trong dài hạn.
Về thách thức và cơ hội phát triển kinh tế Việt Nam 5 năm tới, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn cho rằng một trong những trở ngại lớn nhất của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua là năng suất lao động thấp. Nguyên nhân là do sự hạn chế về hạ tầng, quy định và giấy phép, cũng như việc đầu tư công dàn trải, thiếu hiệu quả ở một số năm trước. Mặt khác, nhiều công ty Việt Nam đang vẫn bị kẹt lại trong những khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp của chuỗi cung ứng mà chưa vươn lên được khâu có giá trị gia tăng cao hơn. Điểm nghẽn về kỹ năng của lực lượng lao động cũng là một trở ngại.
Theo Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, chi tiêu công 2020 cho thấy một bước đi đúng hướng, tập trung vào những dự án hạ tầng trọng điểm, mang lại hiệu ứng lan tỏa cho nền kinh tế như đầu tư vào đường cao tốc, đường sắt, dự án năng lượng sạch. Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại về lĩnh vực hậu cần khi chi phí vận tải hàng hóa trong nước còn cao hơn cả vận tải đi nước ngoài. Nhà nước nhận thức rõ vấn đề này và đã có những kế hoạch cụ thể. Theo định hướng của Nhà nước giai đoạn 2020 – 2030, Việt Nam sẽ phát triển 21 trung tâm hậu cần trên phạm vi toàn quốc toàn quốc. Vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực hậu cần cũng đang tăng mạnh.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam đang đứng trước một vận hội khác là thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để đổi mới phương thức hoạt động của nền kinh tế và tạo ra cơ hội việc làm mới, cũng như cho phép các doanh nghiệp Việt Nam dịch chuyển lên khâu có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp khó khăn khi vốn đầu tư cho chuyển đổi số quá thấp so với một số nước dẫn đầu trong khu vực như Singapore. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 dự kiến sẽ tạo ra một số chuyển biến dài hạn, thậm chí là vĩnh viễn trong một số ngành. Để tận dụng xu thế này, Việt Nam cần một lượng nhân lực rất lớn để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp công nghệ. Trong bối cảnh đó, năng lực đào tạo nhân lực và chuyển hóa những lao động dôi dư từ những ngành khác sang lĩnh vực công nghệ là một thách thức lớn. Việt Nam cần học tập Singapore tăng nguồn vốn đầu tư cho công tác tái đạo tào tạo kỹ năng, để không bỏ lỡ quá trình chuyển đổi số này.
Một thách thức khác của Việt Nam là áp lực dân số già hóa trong tương lai. Theo dự báo dân số giai đoạn 2019-2069 do Tổng cục Thống kê công bố tháng 11/2020, tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng từ 11,9% năm 2019 lên 27,1% vào năm 2069. Dự kiến Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già vào năm 2038. Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn nhận định đây là một thách thức dài hạn, nhưng nếu không có sự chuẩn bị, hệ quả tiêu cực đối với kinh tế-xã hội sẽ là rất lớn.