Chuyển đổi số báo chí - chuyên nghiệp, nhân văn - Bài cuối: Để báo chí bắt nhịp nhanh vào công cuộc chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, trong đó có báo chí là bước đi tất yếu. Mỗi cơ quan báo chí bên cạnh việc xác định chiến lược, bước đi thích hợp cũng cần chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ phóng viên, người làm báo.

Việc chinh phục chuyển đổi số, công nghệ, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động nghề nghiệp phụ thuộc rất lớn vào năng lực, kỹ năng của người làm báo, đặc biệt là các nhà báo trẻ. Đồng thời, xu hướng phát triển hiện đại càng đòi hỏi mỗi nhà báo phải có tâm sáng, lòng trong, bút sắc, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo nên những sản phẩm thực sự có chất lượng cao.

Chú thích ảnh
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí thông tin về việc thành lập Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí. Ảnh: XM

Tạo "đường băng" hỗ trợ báo chí chuyển đổi số

Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành trong tháng 4/2023, với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đây có thể coi là văn bản quan trọng hỗ trợ báo chí chuyển đổi số báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Tiếp đó, ngày 8/5/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký Quyết định số 781/QĐ-BTTTT ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược. 

Ngày 5/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố sự ra đời của trung tâm trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; thông tin về bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí và giới thiệu cổng kết nối trực tuyến công cụ phần mềm đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.

Theo đó, trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí là là đầu mối hỗ trợ cung cấp thông tin, tài liệu, hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng; huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để đồng hành với mục tiêu của chương trình hỗ trợ báo chí chuyển đổi số… Mô hình đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số của các cơ quan báo chí gồm 42 tiêu chí được chia thành 10 chỉ số thành phần và nhóm thành 5 trụ cột của chuyển đổi số báo chí, với số điểm tổng tối đa là 100 điểm. Dưới 50 điểm là ở mức yếu; từ 70-80 điểm ở mức tốt; trên 80 điểm ở mức xuất sắc. Cơ quan báo chí sau khi đã được thẩm định, đánh giá sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Chứng nhận mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Việc công bố xếp hạng sẽ được thực hiện hàng năm. bao gồm: Chiến lược, hạ tầng số; nền tảng số và an toàn thông tin; sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn; độc giả, khán giả, thính giả và mức độ ứng dụng công nghệ số.

Là cơ quan quản lý báo chí truyền thông cũng như công nghệ thông tin, ngay từ sớm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ cơ quan báo chí chuyển đổi số. Điển hình như, đầu năm 2021, Bộ đã xây dựng chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí, với ba nền tảng chính. Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số. Nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần. Nền tảng hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí. 

Khẳng định chuyển đổi số là con đường tất yếu của báo chí, nhà báo Trần Anh Tú, Phó tổng biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông khẳng định Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có ý nghĩa to lớn. Thời gian qua, một số cơ quan báo chí chưa quyết tâm, quyết liệt trong chuyển đổi số, bởi họ vẫn thấy không cần thay đổi, vẫn có thu nhập, chưa bị sụt giảm hoặc bị sụt giảm kinh phí nhưng chưa tạo ra nguy cơ lớn. Việc phê duyệt chiến lược chuyển đổi số báo chí đã tạo ra một "đường băng", định hướng đối với cơ quan báo chí. Chiến lược đã đề ra mục tiêu rõ ràng, cụ thể đến năm 2025, cũng như hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%. 

Đặc biệt, việc xây dựng các nền tảng số, tối ưu hóa các nguồn thu là điều quan trọng mang tính định hướng đối với các cơ quan báo chí. Việc ra đời chiến lược này vừa là mục đích, "ánh sáng soi đường" nhưng cũng đồng thời là động lực thúc đẩy trong việc chuyển đổi số. Thông quan chiến lược đã khẳng định: Việc chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn muốn hay không muốn mà là điều bắt buộc đối với từng cơ quan báo chí, để vừa đáp ứng yêu cầu của độc giả; đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ truyền thông trong thời đại mới, cũng như tối ưu hóa các nguồn lực và đạt hiệu quả cao hơn trong nguồn thu báo chí - ông Trần Anh Tú nói.

Chú thích ảnh
TTXVN hiện là cơ quan báo chí có nhiều sản phẩm và loại hình thông tin nhất cả nước, từ thông tin nguồn bằng văn bản, ảnh, truyền hình, đồ họa, âm thanh... Những sản phẩm thông tin của TTXVN đã trở thành những kênh thông tin tin cậy và nhanh nhạy để từng giờ, từng phút đưa nguồn thông tin dồi dào và phong phú của TTXVN đến với công chúng trong và ngoài nước. Ảnh: TTXVN

Vượt qua khó khăn, thách thức để trở thành nhà báo hiện đại

Để giúp báo chí bắt nhịp nhanh vào công cuộc chuyển đổi số, ông Trần Anh Tú cho rằng: Chuyển đổi số là vấn đề mới không chỉ ở Việt Nam mà cả đối với báo chí thế giới. Hiện nay, rất nhiều tờ báo vẫn còn băn khoăn, lo lắng, suy nghĩ, trăn trở, giống như "đang đi giữa một dòng nước hoặc một ngã ba, ngã tư đường", không biết lựa chọn điều gì trong hoạt động chuyển đổi số. Các cơ quan báo chí đang cần hỗ trợ rất nhiều. Vì vậy, việc Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số là hết sức quan trọng. Hơn lúc nào hết, báo chí rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc xây dựng định hướng chuyển đổi số, bởi lẽ mỗi cơ quan báo chí có một đặc thù riêng, nhân sự riêng, như TTXVN khác với Đài Tiếng nói Việt Nam, khác với Đài Truyền hình Việt Nam, cũng như nhiều tờ báo khác. Thông qua trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí sẽ giúp đỡ các cơ quan báo chí xây dựng các định hướng về chuyển đổi số báo chí phù hợp với điều kiện, đặc điểm, cũng như độc giả. 

Cũng theo nhà báo Trần Anh Tú, một vấn đề khiến báo chí "chậm chân" trong chuyển đổi số liên quan đến kinh phí. Kinh phí cũng là vấn đề cơ quan báo chí cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như là cơ quan chủ quản. Chiến lược chuyển đổi số báo chí được ban hành cũng đã nêu rõ việc tăng cường vai trò của cơ quan chủ quản báo chí trong việc hỗ trợ tài chính, kinh phí cho các cơ quan báo chí triển khai chuyển đổi số. Những sự hỗ trợ này, cùng với sự ra đời của trung tâm hỗ trợ báo chí chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ là rất cần thiết với từng cơ quan báo chí, để từng cơ quan, cũng như mỗi người làm báo có thêm sự hiểu biết, cũng như có thể triển khai, thực hành được ngay công việc ngay trong đơn vị.

Điểm cuối cùng các cơ quan báo chí cần hiện nay đó là về đào tạo. Bởi có hai vấn đề cốt lõi liên quan đến con người trong chuyển đối số, đó là nhu cầu của công chúng và năng lực của những người cung cấp thông tin - người làm báo. Những người làm báo hiện nay, đặc biệt là các bạn trẻ đã được tiếp xúc nhiều về mặt công nghệ nhưng họ vẫn cần được tiếp tục đào tạo, bồi đắp để trở thành một nhà báo hiện đại. Việc này đòi hỏi các bạn trẻ không chỉ học kỹ năng làm nghề, kỹ năng khai thác thông tin, còn cần được trang bị một cách chuyên nghiệp các kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số. Các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo báo chí có thể xây dựng các chương trình đào tạo về báo chí, về chuyển đối số phù hợp với từng học viên, như Tổng biên tập, thư ký tòa soạn, phóng viên... - nhà báo Trần Anh Tú nêu quan điểm.

Chú thích ảnh
Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Ảnh: baochinhphu.vn

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, yếu tố quan trọng nhất trong việc chuyển đổi số đó chính là con người. Trong xu thế hội tụ truyền thông mạnh mẽ hiện nay, báo chí truyền thống và báo chí công nghệ có xu hướng tích hợp, tương tác, hỗ trợ nhau bằng những phương thức đa dạng, phức tạp. Đây cũng là cơ hội để các nhà báo phát huy sức trẻ, khả năng sáng tạo, đồng thời là thách thức, đòi hỏi mỗi người phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng, sẵn sàng thích ứng để trở thành một nhà báo thời đại 4.0. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Công nghệ ngày càng phát triển sẽ tạo cơ hội rất lớn cho báo chí nhưng thách thức đối với báo chí còn lớn hơn nhiều, bởi lẽ nếu người làm báo không nhanh chóng, nắm bắt được công nghệ hiện đại, không khắc phục được những hạn chế, thách thức, đe dọa đến an ninh truyền thông, cũng như những vấn nạn liên quan đến tin giả, khó có thể đảm trách tốt hơn chức năng điều hướng dư luận xã hội của báo chí. 

"Công nghệ hiện đại và hướng phát triển của báo chí của những nền tảng số hiện nay là phép thử lớn đối với những người làm báo và những người quản lý báo chí. Nó đòi hỏi những chiến lược, dự án chi tiết và việc trải nghiệm để đổi mới thường xuyên, liên tục, sáng tạo buộc chúng ta phải thay đổi một cách nhanh chóng và đó là những điều tạo nên những thách thức lớn mà người làm báo phải vượt qua bằng mọi giá" - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng nói.

Đội ngũ những người làm báo phải vững vàng bản lĩnh chính trị, tư tưởng, ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế. Báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò công cụ truyền thông sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội có hiệu quả. Đây cũng chính là lời nhắc nhở của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội báo toàn quốc năm 2023, được tổ chức từ 17-19/3.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nền tảng trực tuyến, mạng xã hội, cơ quan báo chí không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số, phải hướng tới phương thức sản xuất, cung cấp thông tin đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nguồn thu. Trong đó quan trọng nhất là thay đổi tư duy, cách làm trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại để làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội.

Phúc Hằng (TTXVN)
Chuyển đổi số báo chí - chuyên nghiệp, nhân văn - Bài 1: Xây dựng chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả là trung tâm
Chuyển đổi số báo chí - chuyên nghiệp, nhân văn - Bài 1: Xây dựng chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả là trung tâm

Trong xu hướng chuyển đổi số, có rất nhiều cơ quan báo chí đã tận dụng nền tảng công nghệ mới. Nhờ đó, một số tờ báo không ngừng lớn mạnh, lan tỏa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN