‘Chúng con canh giấc ngủ của Người’

Hôm nay, ngày Quốc khánh 2/9, là ngày mà cả dân tộc Việt Nam thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại muôn vàn kính yêu, Người đã dành trọn cả cuộc đời vì nước, vì dân.

Câu hát: “Vinh quang con đứng bên Người/ Canh cho Bác ngủ ngon giấc/Trên môi như Bác vẫn cười/ Bác vui vì khắp non sông cháu con trở về sum vầy” trong bài “Chúng con canh giấc ngủ của Người” của nhạc sỹ Nguyễn Đăng Nước, là tiếng lòng của những chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người đã vinh dự được canh giấc ngủ của Người trong suốt 50 năm qua.

Chú thích ảnh
Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, ngày 9/9/1969. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Theo Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc giữ gìn bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác, bảo vệ công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình và quản lý, vận hành hệ thống thiết bị kỹ thuật là những công việc quan trọng. Mục đích cuối cùng của công việc ấy là để đón đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế đến thăm Lăng và vào viếng Bác để được chiêm ngưỡng Người và học tập những tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Người.  

Ngay từ những ngày đầu mở cửa Lăng đón đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác, số lượng ngày càng đông. Kể từ ngày mở cửa Lăng (29/8/1975 đến tháng 2/2018), Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp, phục vụ chu đáo, an toàn 57.175.421 lượt người; trong đó có 9.745.002 lượt khách quốc tế đến viếng Bác. Phục vụ hơn 2.500 đoàn tổ chức sinh hoạt chính trị tại Lăng. Chiếu phim giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho hơn 31.302 đoàn. Tặng Huy hiệu Bác Hồ cho 214.565 đại biểu. Tổ chức đón tiếp 948 đoàn Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng về Lăng viếng Bác. Tại Khu Di tích K9, từ năm 1998 đến nay đã đón tiếp 40.347 đoàn/tổng số 3.136.017 lượt người đến tưởng niệm Bác Hồ và tham quan Khu Di tích.

Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình cùng với Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi hội tụ tình cảm của nhân dân ta và bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện chính trị quan trọng, ý nghĩa như mít tinh, diễu binh, diễu hành và báo công dâng Bác, giáo dục chính trị, tư tưởng cho mọi tầng lớp nhân dân, khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Để bảo vệ sức khỏe của đồng bào vào Lăng viếng Bác, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã có các phương án chăm sóc sức khỏe, tổ chức cấp cứu, phục vụ đảm bảo các nhu cầu, chủ yếu là nước uống và ăn nhẹ cho nhân dân. Đối với đồng bào ở xa, việc tổ chức đón tiếp, liên hệ nơi ăn, nghỉ cho đồng bào được thực hiện chu đáo, tận tình, nhất là những đồng chí thương bệnh binh nặng và người già yếu, tàn tật, các đoàn đại biểu người có công với cách mang, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, già làng trưởng bản, các cháu thiếu niên, nhi đồng… đều được tổ chức ngày càng chu đáo, an toàn.

Sáng 1/9, hòa cùng dòng người xếp hàng ngay ngắn vào Lăng viếng Bác, em Lò A Sinh đến từ huyện Mường Tè (Lai Châu) xúc động cho biết: “Trước khi bước vào năm học mới, cháu được gia đình cho về thăm Thủ đô, vào Lăng viếng Bác, thăm Nhà sàn và ngắm cảnh vườn cây, ao cá Bác Hồ, cháu thích lắm. Được nhìn thấy Bác kính yêu yên nghỉ trong Lăng cháu rất xúc động và tự hào. Mai trở về Lai Châu, cháu sẽ kể lại cho các bạn cùng lớp những câu chuyện về Bác lúc sinh thời và cả khi Người đã đi xa”.

Chú thích ảnh
Thiếu nhi Hà Nội vào viếng Bác Hồ tại hội trường Ba Đình. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Không riêng gì em Lò A Sinh, trong dòng người bất tận vào Lăng viếng Bác còn có các đoàn thương binh nặng đã dâng hiến máu xương của mình cho quê hương đất nước. Đặc biệt là những thương binh hỏng cả 2 mắt luôn ao ước trong cuộc đời dù không nhìn được thấy Người nhưng vẫn tâm nguyện được vào Lăng viếng Bác kính yêu.

Theo Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, khi gặp những đoàn thương binh nặng, các chiến sĩ tiêu binh đã chuẩn bị sẵn xe đẩy để phục vụ các đồng đội yêu quý. Họ thận trọng, nhẹ nhàng nâng các bác, các anh lên từng bậc cầu thang, đưa các bác, các anh vào thăm Bác.

“Những thương binh bị hỏng cả 2 mắt, chỉ hình dung thấy Bác qua lời miêu tả của các chiến sĩ tiêu binh. Khi nghe xong, nhiều người đã bật khóc ngay trong phòng Bác yên nghỉ”, Thiếu tướng Cao Đình Kiếm xúc động kể lại.

Còn với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhất là các Mẹ ở miền Nam Thành đồng Tổ quốc, tuy tuổi đã cao (có mẹ trên 90 tuổi) mắt đã mờ nhưng vẫn quyết tâm giữ gìn sức khỏe để được ra Thủ đô vào Lăng viếng Bác. Không kìm nén được cảm xúc, nhiều Mẹ đã bật khóc. Do chưa nhìn rõ Bác nên có Mẹ đã đề nghị được vào viếng Bác lần nữa để nhìn Người rõ hơn. Mai này về miền Nam, nếu có khuất núi các Mẹ cũng yên lòng vì đã được gặp Bác.

Theo GS.TS. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Y tế cấp Nhà nước về kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (làm việc từ ngày 12 - 18/7/2019): “Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 50 năm đang được giữ gìn rất tốt, chưa phát hiện được sự thay đổi nào so với các số liệu trong biên bản kiểm tra thi hài của các Hội đồng trước đây (từ năm 1970 đến năm 2009)”.

Cũng theo Chính ủy Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đơn vị đã bổ sung hoàn thiện quy chế tổ chức lễ viếng Bác, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác đón tiếp ngày càng tốt hơn như: Tôn tạo cảnh quan, môi trường; thay thế hệ thống mái che đường viếng, triển khai tuyến phố đi bộ xung quanh Lăng; hệ thống ki-ốt điện tử, mạng không dây miễn phí và trang tin điện tử của Ban Quản lý Lăng. Tổ chức định kỳ các chương trình nghệ thuật tại khu vực Lăng. Tiếp nhận và trả máy ảnh, camera, điện thoại di động, máy nhắn tin của nhân dân khi vào Lăng viếng Bác. Tổ chức cấp nước uống và bánh mỳ miễn phí cho khách vào viếng Bác trong dịp các ngày lễ 30/4, 1/5, 19/5, 2/9 hàng năm. Kết hợp xem phim, nghe giới thiệu và tặng huy hiệu Bác Hồ, các ấn phẩm văn hóa về Bác cho các đoàn Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình có công với cách mạng, các cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong học tập, công tác để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân và khách quốc tế.

Tuy Bác đã đi xa, nhưng nơi yên nghỉ của Người - Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫn là trường học cách mạng để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, là một không gian thiêng liêng, nơi hội tụ niềm tin, tình cảm kính yêu của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế mỗi khi đến với Người. 

Nguyễn Viết Tôn/Báo Tin tức
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Văn kiện lịch sử vô giá
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Văn kiện lịch sử vô giá

Ngày 2/9, từ biệt thế giới này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta một bản Di chúc kết tinh những giá trị vô giá. Di chúc là bản tổng kết cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và trong đó Người vạch ra những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN