Theo thông tin do Đại sứ Phạm Sanh Châu cung cấp, các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam đều an toàn và các hoạt động của đoàn Việt Nam cùng như các đoàn nước ngoài chưa có gì thay đổi. Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết UNESCO đã được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo về an ninh cho cuộc họp.
Cùng ngày 16/7, ông Dương Quý Nam, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết cán bộ Đại sứ quán đã liên hệ các phương tiện trên mạng xã hội cũng như mạng nội bộ để thông báo về cuộc đảo chính. Tạm thời chưa ghi nhận trường hợp người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng từ vụ đảo chính.
Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cung cấp số điện thoại hotline 00905346375328, trực 24/24 và địa chỉ email dsqvnturkey@yahoo.com để tiếp nhận những thông tin khẩn cấp của cộng đồng Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ hoặc những ai có người thân đang ở trong vùng bị ảnh hưởng.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, hiện có khoảng 500 người Việt Nam sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, gồm Việt kiều (khoảng 100 người), và các đối tượng công nhân sang lao động theo các dự án xây dựng sân bay ở Istanbul (khoảng 400 người), làm việc ở công trường cách xa khu vực xảy ra đảo chính. Ngoài ra, còn một số lãnh đạo bộ - ngành địa phương nước ta sang công tác và tất cả đều an toàn.
Trước tình hình phức tạp tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã ngay lập tức chỉ đạo Cơ quan đại diện Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ siết chặt các biện pháp an ninh, hạn chế đi lại, giữ liên lạc thường xuyên với cảnh sát và chính quyền địa phương, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cán bộ, nhân viên và các thành viên gia đình Đại sứ quán Việt Nam tại Ankara, cơ quan thương vụ Việt Nam tại Istanbul, các đoàn cán bộ Việt Nam đang công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ, và cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại sở tại.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng yêu cầu Cơ quan đại diện Việt Nam phải sẵn sàng các biện pháp ứng phó để bảo hộ công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết.