Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng.
Điểm sáng về tăng trưởng kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ
Hà Tĩnh là vùng đất "địa linh nhân kiệt", từ xưa tới nay, vùng đất này nổi tiếng với truyền thống hiếu học, đóng góp cho nước nhà nhiều danh nhân văn hóa kiệt xuất, nhiều lãnh tụ cách mạng tiêu biểu, như Ðại thi hào Nguyễn Du, nhà bác học Phan Huy Chú, Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, các Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, cùng nhiều nhà cách mạng tiêu biểu của Ðảng, Nhà nước. Là tỉnh luôn đi đầu trong các phong trào đấu tranh giành nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, Hà Tĩnh là một trong những trung tâm của phong trào Cần Vương, cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh... và là 1 trong 4 tỉnh của cả nước giành được chính quyền về tay nhân dân sớm nhất nước…
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng báo cáo tại cuộc làm việc cho biết, xuất phát từ một tỉnh thuần nông, là một trong những tỉnh nghèo của cả nước với nhiều khó khăn, gánh chịu tàn phá của chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt, tuy nhiên sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, 10 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, với những bước tiến mới về tư duy, thể hiện rõ trí tuệ, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, quyết tâm đưa Hà Tĩnh thoát khỏi tỉnh nghèo, vươn lên phát triển nhanh và bền vững. Hà Tĩnh đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng, kinh tế - xã hội có những bước phát triển, là một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Kinh tế - xã hội 8 tháng của năm 2022 đã đạt được một số kết quả nhất định; thu ngân sách đạt khá (8 tháng đạt hơn 13.000 tỷ đồng, bằng 77% dự toán); giải ngân đầu tư công đạt kết quả cao so với bình quân chung cả nước (8 tháng đầu năm đạt hơn 42% kế hoạch); nông nghiệp phát triển khá toàn diện, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 97%; thương mại, du lịch, dịch vụ từng bước hồi phục khá mạnh mẽ (doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đạt hơn 33.000 tỷ đồng - tăng hơn 19% so với năm 2021); dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng gần 46%.
Hà Tĩnh đã hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ.
Thu hút đầu tư đạt kết quả tốt, đã thu hút được những dự án lớn như Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy sản xuất Pin VinES của Tập đoàn Vingroup, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2… Môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải thiện, công tác cải cách hành chính đạt được những kết quả đáng ghi nhận, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 của tỉnh tăng 8 bậc so với năm 2020, xếp thứ 8 cả nước và thứ hai Bắc Trung Bộ; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 7 cả nước và thứ 3 Bắc Trung Bộ; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) xếp thứ 5 cả nước, tăng 6 bậc so với năm 2020 và xếp thứ nhất cả nước.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động được duy trì trong điều kiện bình thường.
Các chính sách xã hội, an sinh xã hội được rất quan tâm thực hiện; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công; đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người lao động và sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được thực hiện kịp thời. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh mặc dù còn cao nhưng đã có xu hướng giảm, đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 4,68%, hộ cận nghèo còn 5,09%.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Quan hệ đối ngoại được đẩy mạnh, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, tăng cường mở rộng, hợp tác, giao lưu với các địa phương của Lào nhân Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào.
Ngoài ra, qua báo cáo cũng cho thấy việc triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã ghi nhận một số kết quả tích cực.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm; chú trọng đến công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp được thực hiện chủ động, chất lượng được nâng cao, trong đó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nhiều đóng góp trong triển khai công tác lập pháp và giám sát (đặc biệt là 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022). Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có đổi mới, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc.
Chủ động hội nhập, mở rộng giao lưu kinh tế
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương và đánh giá cao những kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được trong thời gian qua. Nhất trí với những đánh giá thẳng thắn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về một số khó khăn, hạn chế hiện nay, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh tiếp tục quán triệt các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong đó phấn đấu xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, đến năm 2025 là tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Hà Tĩnh cần tập trung tổ chức thực hiện các đột phá chiến lược đã được Đảng bộ tỉnh xác định gồm: "4 ngành kinh tế trọng điểm - 3 trung tâm đô thị - 3 hành lang kinh tế - 1 trung tâm động lực tăng trưởng - 4 nền tảng chính". Trong đó, với 4 ngành kinh tế trọng điểm gồm: công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logicstics và du lịch, trước thực tế hiện nay các ngành công nghiệp đang gặp một số khó khăn khách quan, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Tĩnh cần rà soát lại 3 ngành kinh tế trọng điểm còn lại để bù đắp, bảo đảm sự phát triển chung của tỉnh, phấn đấu năm nay đạt được mức tăng trưởng GRDP cao nhất có thể.
Việc phát triển cân bằng cả 4 ngành kinh tế trọng điểm cũng sẽ giúp khắc phục được hạn chế Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu, đó là nền kinh tế còn phụ thuộc vào những doanh nghiệp lớn trong khi các động lực tăng trưởng mới chưa thật sự rõ rệt, chưa phát huy được hết tiềm năng khi dư địa phát triển của tỉnh còn khá nhiều đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, bất động sản, khai thác hạ tầng khu công nghiệp...
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hà Tĩnh rà soát, cập nhật lại và cụ thể hoá các đột phá chiến lược của tỉnh để sớm ban hành được quy hoạch tổng thể tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thúc đẩy liên kết vùng, nhất là với các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, chủ động hội nhập, mở rộng giao lưu kinh tế, nhất là các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Cùng với phục hồi, phát triển kinh tế, tỉnh cần tiếp tục quan tâm các hoạt động văn hoá, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, thể thao, du lịch, trước mắt là tổ chức khai giảng năm học mới thật tốt. Hà Tĩnh tiếp tục lãnh đạo đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND; đóng góp hiệu quả vào công tác lập pháp của Quốc hội, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát... Thường xuyên lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là an ninh nông thôn, xây dựng thế trận lòng dân, công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
Đối với đề xuất, kiến nghị của tỉnh về sửa đổi Luật Đất đai và một số Luật liên quan, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Hà Tĩnh tích cực đóng góp ý kiến đối với Chính phủ, Quốc hội, nhất là trong quá trình Quốc hội đang xem xét, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)... để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Với kiến nghị Trung ương sớm có chủ trương chấm dứt hoạt động Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, chỉ đạo giải quyết vấn đề tồn đọng liên quan đến dự án này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại cuộc làm việc với tỉnh Hà Tĩnh ngày 11/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương về vấn đề này, do đó, các bộ, ngành liên quan và tỉnh Hà Tĩnh cần bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, đánh giá nghiêm túc, khách quan, khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng, lắng nghe nhau để báo cáo Bộ Chính trị sớm có quyết sách, ổn định sinh kế cho người dân và tập trung phát triển kinh tế ở vùng Dự án. Chủ tịch Quốc hội cho biết, chuyến thăm lần này có ý nghĩa quan trọng, có thêm cơ sở để sau này Đảng đoàn Quốc hội cũng sẽ có ý kiến về vấn đề này.
Cho rằng việc mở rộng không gian đô thị có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tại Phiên họp tháng 9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, sửa đổi Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Hà Tĩnh cần bám sát quá trình sửa đổi này để xây dựng Đề án mở rộng địa giới thành phố Hà Tĩnh trình Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tích cực xem xét, tạo điều kiện cho thành phố Hà Tĩnh và tỉnh Hà Tĩnh có thêm dư địa phát triển.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; đồng thời lưu ý các cơ quan của Quốc hội quan tâm hơn, đôn đốc, giám sát, có ý kiến để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho địa phương.
Sáng cùng ngày, tại tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã thăm Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ những ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong thu hút FDI giai đoạn tới là các dự án công nghệ của tương lai của các tập đoàn lớn; các dự án có hàm lượng công nghệ cao, không ảnh hưởng tới môi trường, ít tiêu hao các tài nguyên trong nước. Việt Nam ủng hộ xu thế đầu tư theo hướng bền vững, kiên quyết nói "không" với những dự án đầu tư sản xuất không sạch, lãng phí tài nguyên, có tiềm năng gây thảm họa môi trường.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, thời gian qua Formosa vừa tập trung khắc phục được sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế theo đúng cam kết với Chính phủ Việt Nam vừa hoạt động hiệu quả, đóng góp tốt cho ngân sách... Đồng thời, đề nghị Công ty Formosa tiếp tục chú trọng chế tạo, chế biến sâu và giữ vai trò "dẫn dắt", kêu gọi các nhà đầu tư lĩnh vực chế tạo sau thép vào Khu kinh tế Vũng Áng, cung cấp các sản phẩm chất lượng, giá trị cao, tiếp tục tuân thủ pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh các hoạt động phát triển bền vững, hướng tới xanh hóa sản xuất, bảo vệ môi trường, vì hạnh phúc của con người, thường xuyên diễn tập các sự cố, ứng phó với những vấn đề kỹ thuật xảy ra trong quá trình vận hành, hoạt động.
Tại Hà Tĩnh, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác cũng đã dự lễ khánh thành nhà máy bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh; thăm Nhà máy sản xuất pin VinES.