Chủ tịch Quốc hội dự tọa đàm về xây dựng, vận hành Trung tâm tài chính quốc tế

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Thụy Sĩ, sáng 28/7 theo giờ địa phương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu khai mạc tọa đàm “Xây dựng và vận hành Trung tâm tài chính quốc tế - Khuyến nghị cho Việt Nam”.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Tọa đàm "Xây dựng và vận hành Trung tâm tài chính quốc tế - Khuyến nghị cho Việt Nam". Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói rõ Trung tâm tài chính quốc tế là mô hình mới ở Việt Nam nhưng lại là mô hình đã hoạt động lâu đời tại Thụy Sĩ. Vì thế, Việt Nam mong muốn các cơ quan và chuyên gia của Thuỵ Sĩ chia sẻ cũng như đưa ra các khuyến nghị phù hợp cho Việt Nam trong việc xây dựng, quản lý, vận hành Trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, dù gặp nhiều khó khăn và thách thức từ những tác động của tình hình thế giới và khu vực, nhưng thời gian qua Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.

Việt Nam là nền kinh tế đứng thứ 34 trên thế giới và đang trên đà phát triển, được các tổ chức quốc tế công nhận, đánh giá cao. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,09% với 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 470 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.700 USD. Bên cạnh đó, công tác an sinh - xã hội được bảo đảm. Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Đáng chú ý, Quốc hội Việt Nam đã kịp thời sửa đổi và ban hành mới các luật, nghị quyết để thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại với các quốc gia. Ngày 27/6 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 222/2025/QH15 quy định về việc thành lập, hoạt động, quản lý, giám sát và các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nhằm thu hút nguồn vốn, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh Việt Nam và Thụy Sĩ có mối quan hệ truyền thống, gắn bó lâu đời. Những năm gần đây, hợp tác chính trị - ngoại giao giữa hai nước tiếp tục được tăng cường thông qua các chuyến thăm cấp cao và đối thoại song phương.

Các hoạt động hợp tác đầu tư giữa hai nước cũng ngày càng phát triển. Tính đến tháng 6/2025, Việt Nam ghi nhận 214 dự án đầu tư trực tiếp từ Thuy Sĩ còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 2,03 tỷ USD trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến - chế tạo (chiếm tỷ trọng lớn nhất), dịch vụ thương mại, dược phẩm, ngân hàng - bảo hiểm và công nghệ thực phẩm.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chứng kiến Lễ trao biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển trung tâm tài chính quốc tế giữa Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính Việt Nam) và Hiệp hội Công nghệ tài chính Thụy Sĩ (Fintech Thụy Sĩ). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cho rằng tiềm năng, lợi thế của hai nước còn rất lớn, Chủ tịch Quốc hội  Trần Thanh Mẫn đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ và Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng của Thụy Sĩ và các tổ chức quốc tế tại Thụy Sĩ để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện các văn kiện hợp tác đã ký kết giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi để ngày càng thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư Thụy Sĩ vào Việt Nam cũng như sẽ có các nhà đầu tư Việt Nam sang Thụy Sĩ đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là trong những lĩnh vực, ngành hàng mà mỗi nước có thế mạnh và nhu cầu.

Các đại biểu, chuyên gia Thụy Sĩ đánh giá cao việc Việt Nam quyết định xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, cho rằng đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với xu hướng hội nhập sâu rộng của hệ thống tài chính toàn cầu. Các đại biểu cũng bày tỏ tin tưởng và nhấn mạnh Việt Nam có đủ điều kiện để xây dựng các Trung tâm tài chính quốc tế.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu chụp ảnh chung. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đề cập đến các yếu tố hỗ trợ thành lập và vận hành các Trung tâm tài chính quốc tế, ông Guillaume Hingel thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho rằng lực lượng lao động được đào tạo kỹ năng tốt là một trong các yếu tố quan trọng để thiết lập trung tâm tài chính. Theo ông, với dân số trẻ, Việt Nam có điểm mạnh trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến để hỗ trợ cho hệ thống thanh toán theo thời gian thực; quản trị minh bạch dịch vụ công và tiếp cận dữ liệu; có công nghệ mới để bảo vệ quyền riêng tư về dữ liệu. Ông Guillaume Hingel cho rằng Việt Nam đang có nhiều thay đổi và tiến bộ trong vấn đề này.

Cũng theo ông Guillaume Hingel, Việt Nam cần tăng cường hợp tác trong quản lý tài chính và áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) một cách cân bằng, có sự kiểm soát…

Các đại biểu cũng tập trung trao đổi, đối thoại về chiến lược và khung pháp lý cho việc phát triển các Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam; thảo luận về tài chính phát triển, ngân hàng số, fintech và tài chính toàn diện; cũng như chiến lược fintech cho trung tâm tài chính quốc tế...

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chứng kiến Lễ trao biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển trung tâm tài chính quốc tế giữa Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính Việt Nam) và Hiệp hội Công nghệ tài chính Thụy Sĩ (Fintech Thụy Sĩ). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chứng kiến việc trao Bản ghi nhớ giữa Bộ Tài chính và Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ - Việt Nam về tăng cường hợp tác đầu tư và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế; Bản ghi nhớ giữa Bộ Tài chính và Hiệp hội công nghệ tài chính Thụy Sĩ về hợp tác phát triển trung tâm tài chính quốc tế.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chứng kiến Lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Công ty Dữ liệu Thương mại Thụy Sĩ (TDM). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Phan Phương (TTXVN)
Báo chí Maroc: Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là bước ngoặt chiến lược trong hợp tác song phương
Báo chí Maroc: Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là bước ngoặt chiến lược trong hợp tác song phương

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, chuyến thăm chính thức Vương quốc Maroc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, diễn ra từ ngày 24-27/7 được báo chí, truyền thông tại Maroc theo dõi đưa tin đậm nét cũng như có nhiều đánh giá tích cực cho quan hệ trong tương lai giữa hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN