Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà lãnh đạo biểu tượng của phong trào phi thực dân hóa

Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Shimizu Masaaki, Đại học Osaka, về tầm vóc đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lịch sử thế giới hiện đại và phong trào giải phóng dân tộc thế kỷ XX.

Chú thích ảnh
Giáo sư Shimizu Masaaki, Đại học Osaka, trả lời phỏng vấn của TTXVN về tầm vóc đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lịch sử thế giới hiện đại và phong trào giải phóng dân tộc thế kỷ XX. Ảnh: Phạm Tuân/Pv TTXVN tại Nhật Bản

Đánh giá về yếu tố đã làm nên tầm vóc đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lịch sử thế giới hiện đại, đặc biệt là trong phong trào giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX, Giáo sư Shimizu Masaaki nhận định rằng vị trí lịch sử đặc biệt của Bác trong phong trào giải phóng dân tộc thế kỷ XX không chỉ đơn thuần được biết đến là dẫn dắt dân tộc Việt Nam giành được nền độc lập. Trong lịch sử thế giới, Bác còn được đánh giá như một nhà lãnh đạo biểu tượng của phong trào phi thực dân hóa ở "Nam bán cầu", đặc biệt là ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và là một người có những đóng góp độc đáo trong cả tư tưởng và thực tiễn.

Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo hiếm hoi đã khéo léo kết hợp chủ nghĩa dân tộc Việt Nam với hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa quốc tế. Người đã học được lý luận và thực tiễn của phong trào cộng sản quốc tế thông qua các hoạt động của mình ở Pháp và Liên Xô, linh hoạt vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Nói cách khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công trong việc giành được sự ủng hộ rộng rãi bằng cách đề xuất một chiến lược ưu tiên giải phóng dân tộc mà không quá thiên về đấu tranh giai cấp.

Thứ hai, sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh độc đáo ở khía cạnh xây dựng được cầu nối giữa lý tưởng và thực tiễn, giữa tư tưởng và quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh không sa vào chủ nghĩa duy tâm, mà thay vào đó phát triển chính trị bắt nguồn từ lời nói và kinh nghiệm của những người bình thường như nông dân và công nhân. Triết lý chính trị "hướng về phía nhân dân" của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một khẩu hiệu, mà là một bài tập về quản trị dựa trên lòng tin với nhân dân, đó là lý do tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được yêu mến như một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn và gần gũi với nhân dân.

Thứ ba, ảnh hưởng quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt ra ngoài phạm vi Việt Nam, truyền cảm hứng sâu sắc cho các nhà lãnh đạo ở các vùng lãnh thổ thuộc địa khác. Lời nói, chiến lược và tấm gương "nước nhỏ đánh bại nước lớn" của Người đã trở thành mô hình thực tế và đầy hy vọng cho các nhà lãnh đạo giành độc lập ở các nước châu Phi và những người cách mạng ở Mỹ Latinh.

Hơn nữa, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vượt lên khó khăn bằng sự chân thành và tinh thần hy sinh - tiếp tục gây ấn tượng với cộng đồng quốc tế như một mẫu nhà lãnh đạo lý tưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được kính trọng trong nước Việt Nam mà ngay cả ngày nay, tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường được nhắc đến trong các diễn đàn quốc tế, như Liên hợp quốc. Người được nhớ đến như một trong những nhà lãnh đạo giải phóng dân tộc có đạo đức và thực tế nhất của thế kỷ XX.

Do vậy, Giáo sư Shimizu Masaaki cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử thế giới hiện đại là vì Người không chỉ đơn thuần là nhà lãnh đạo cách mạng của một quốc gia, mà còn là một "tấm gương toàn cầu" kết hợp tư tưởng, thực tiễn và nhân cách.

Trả lời câu hỏi của về tầm ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực ngoại giao và xây dựng hình ảnh quốc gia từ bối cảnh quốc tế, Giáo sư Shimizu Masaaki cho rằng, trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng, một nhà trí thức lỗi lạc, một nhà ngoại giao kiệt xuất. Đặc biệt, vai trò của Người trong việc định hình ngoại giao và hình ảnh đất nước rất đáng chú ý trong bối cảnh chính trị quốc tế thế kỷ XX và vô cùng quan trọng trong việc hiểu được nhân cách của Người.

Điều đầu tiên Giáo sư Shimizu Masaaki cho rằng cần lưu ý là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một ý thức ngoại giao chiến lược ngay từ giai đoạn đầu, "để truyền đạt tiếng nói của dân tộc Việt Nam ra thế giới". Từ những năm 1920 đến những năm 1940, Người đã sang Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, thậm chí cả Mỹ và tiếp tục làm việc để kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ nền độc lập cũng như chính nghĩa của Việt Nam. Các bài phát biểu, bài báo và văn bản ngoại giao của Người được viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp có thể coi là cực kỳ tiên phong.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo đã thành công trong việc gây ấn tượng với thế giới về hình ảnh Việt Nam là một đất nước có lý tưởng văn hóa và đạo đức cao. Việc bản thân Người sống trong cảnh vất vả được đánh giá cao về nhân cách, và việc Người thể hiện lập trường chính trị nhấn mạnh đến công lý xã hội và phẩm giá con người dưới khẩu hiệu "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" đã tạo cơ sở để định vị Người không chỉ là một "lãnh tụ cộng sản" mà còn là một "lãnh tụ dân tộc có đạo đức" ngay cả trong bối cảnh xung đột tư tưởng giữa Đông và Tây trong Chiến tranh Lạnh.

Thứ ba, về mặt kỹ năng ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng một chiến lược cực kỳ khéo léo để duy trì nền độc lập của Việt Nam trong khi cân bằng các lực lượng đối lập. Ví dụ, trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng việc hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc và Liên Xô, Người không bao giờ đóng cửa với Mỹ và Pháp, và tiếp tục khám phá các con đường hòa bình và đàm phán khi có thể. Đây là bằng chứng cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà ngoại giao thực tế, không bám chặt vào hệ tư tưởng, mà thay vào đó đặt lợi ích và nền độc lập của nhân dân Việt Nam lên hàng đầu.

Ngoài ra, các yếu tố của sức mạnh mềm văn hóa có thể được nhìn thấy rõ ràng trong ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người làm thơ, cố gắng sử dụng ngôn ngữ hài hước trong đối thoại và biết cách làm cho các nhà báo và chính trị gia nước ngoài cảm thấy gần gũi thông qua cách cư xử thực tế của mình. "Ngoại giao thông qua văn hóa và con người" này có thể được coi là tiền thân của ngoại giao công chúng ngày nay và là một trong những yếu tố chính hỗ trợ cho thành công của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng hình ảnh của quốc gia.

Nhìn chung, ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngoại giao và xây dựng hình ảnh đất nước có thể được coi là nhân tố quyết định trong việc định hình vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế như một nước nhỏ nhưng tự trọng, có lý tưởng và đứng vững trên trường quốc tế. Có thể nói di sản của Người vẫn còn in đậm trong nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.

Giải đáp điều muốn nhấn mạnh nhất về con người, tư tưởng hoặc di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh nếu có cơ hội giới thiệu về Người với thế hệ trẻ Nhật Bản ngày nay, Giáo sư Shimizu Masaaki cho biết trước tiên ông muốn miêu tả cuộc đời của Người là một nhà trí thức và nhà thực tiễn trung thực, luôn kết nối lý tưởng và hiện thực. Tư tưởng và hành động của Người không chỉ là những lý thuyết cách mạng trừu tượng hay những câu chuyện của quá khứ, mà vẫn có sức mạnh đặt ra những câu hỏi với chúng ta, những người đang sống trong xã hội hiện đại.

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn giữ vững niềm tin trong suốt cuộc đời rằng "độc lập của một quốc gia và hạnh phúc của người dân là không thể tách rời". Giành được độc lập là lý tưởng của Người là "bảo vệ phẩm giá và sinh kế của mỗi người dân". Điều này phù hợp với các giá trị mà những người trẻ tuổi ở Nhật Bản ngày nay quan tâm đến bất bình đẳng xã hội và các vấn đề môi trường - "chính trị gần gũi với con người hơn là hệ thống".

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với việc có tầm nhìn toàn cầu, vẫn luôn giữ liên lạc với nguồn gốc của mình. Khi đi khắp thế giới, tới Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục tìm kiếm những gì mà Người thấy là nên học cho tương lai của đất nước. Cách sống này có thể cung cấp một gợi ý cho những người trẻ tuổi ở Nhật Bản đang sống trong thời đại toàn cầu hóa khi họ nghĩ về những gì họ có thể học khi bước ra thế giới và cách họ có thể cống hiến và đền đáp cho đất nước.

Thứ ba, điều mà Giáo sư Shimizu Masaaki muốn nhấn mạnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người có lối sống vô cùng giản dị, chân thành. Ngay cả khi giữ cương nguyên thủ quốc gia, Người đã chọn sống một cuộc sống giản dị, coi trọng thực chất hơn hình thức và coi trọng việc hòa nhập với mọi người. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một nhà thơ và có sức mạnh lay động mọi người bằng những lời lẽ nhẹ nhàng. Giáo sư Shimizu Masaaki cho rằng sự kết hợp giữa sức mạnh và lòng tốt của vị lãnh tụ vĩ đại này có thể truyền cảm hứng mạnh mẽ và sâu sắc cho thanh niên ngày nay.

Cuối cùng, Giáo sư Shimizu Masaaki bày tỏ tin tưởng rằng di sản lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là sự thay đổi chính quyền hay chiến thắng, mà là ý tưởng rằng "quốc gia là dân tộc, và hạnh phúc của dân tộc là mục đích của quốc gia". Ý tưởng này vẫn ăn sâu vào xã hội Việt Nam và có thể nói rằng đó là một lý tưởng phổ quát có thể được chia sẻ xuyên biên giới.

Nguyễn Tuyến - Phạm Tuân (TTXVN)
Truyền thông Lào: Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta
Truyền thông Lào: Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), báo Pathet Lao và ấn phẩm điện tử của hãng Thông tấn xã Lào số ra ngày 15/5 đã đăng bài xã luận “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN