Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa của chuyến thăm chính thức Việt Nam cũng như kỳ vọng về kết quả của chuyến thăm lần này?
Trong cuộc hội đàm, lãnh đạo của Việt Nam và Malaysia đã tích cực thảo luận nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ cao, du lịch, thương mại và năng lượng. Quốc hội Việt Nam khẳng định sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi, cam kết thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.
Một điểm nhấn quan trọng, trong cuộc hội đàm, Việt Nam cam kết phát triển ngành công nghiệp Halal, được thể hiện thông qua Hội nghị Halal toàn quốc với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”, tổ chức ngày 22/10.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị này. Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến việc Malaysia hỗ trợ đào tạo các doanh nghiệp và địa phương của Việt Nam về quy trình sản xuất và cấp chứng nhận Halal.
Một kết quả quan trọng nữa, hai bên nghiên cứu, thúc đẩy việc ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Hạ viện, Thượng viện Malaysia, tạo cơ sở để hai bên thúc đẩy và làm sâu sắc hơn hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia và cộng đồng người Malaysia tại Việt Nam trong sinh sống, làm ăn, lao động, học tập, đóng góp tích cực cho sự phát triển của nước sở tại và là cầu nối cho quan hệ giữa hai nước. Malaysia ghi nhận những đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt tại Malaysia, nhất là kể từ khi thành lập Hội hữu nghị Malaysia-Việt Nam vào năm 2022.
Chuyến thăm này tái khẳng định cam kết chung của cả hai quốc gia đối với vai trò trung tâm và sự thống nhất của ASEAN.
Thông qua hội đàm, hai bên tạo tiền đề cho sự hợp tác sâu sắc hơn giữa Cơ quan lập pháp hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ và trao đổi giáo dục.
Ông có thể chia sẻ đánh giá về quan hệ Đối tác chiến lược giữ hai nước, đặc biệt quan hệ nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Malaysia?
Malaysia và Việt Nam có mối quan hệ rất tốt đẹp kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao hơn 50 năm trước. Mối quan hệ này ngày càng được vun đắp và phát triển. Tôi cho rằng, hiện tại mối quan hệ đó đang ở trên đỉnh cao. Chúng ta là những người bạn lâu năm của nhau và cùng nhau thúc đẩy mối quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp hơn.
Malaysia chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2025. Chuyến thăm chính thức Việt Nam là chuyến thăm đầu tiên của tôi trên cương vị sắp tới là Chủ tịch AIPA-46. Tại đây, tôi đã có cuộc hội đàm hiệu quả với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn, đánh dấu thời điểm then chốt trong việc tăng cường ngoại giao Nghị viện giữa hai nước.
Các hội đàm đã thảo luận và nhấn mạnh đến những tiến triển đáng kể trong quan hệ song phương, với kim ngạch thương mại song phương hai nước đã đạt gần 10 tỷ USD trong 8 tháng năm 2024. Ngoài ra, Malaysia là quốc gia có số lượng khách du lịch lớn thứ hai đến Việt Nam trong khối ASEAN, với hơn 360.000 du khách tới Việt Nam trong 9 tháng năm 2024.
Sự phát triển trong quan hệ song phương Việt Nam-Malaysia phản ánh nền tảng mối quan hệ vững chắc, ngày càng được củng cố xây dựng và thúc đẩy mạnh mẽ. Khi Malaysia đảm nhận chức Chủ tịch AIPA-46 với chủ đề "Bao trùm và Bền vững", chúng tôi cam kết tăng cường hội nhập khu vực và thúc đẩy ngoại giao nghị viện có lợi cho tất cả các quốc gia thành viên ASEAN.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2025, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề an ninh lương thực, năng lượng tái tạo và hợp tác ASEAN cũng như những kỳ vọng của Malaysia trong hợp tác với Việt Nam ở các lĩnh vực này và lĩnh vực tiềm năng khác?
An ninh lương thực là một chủ đề quan trọng. Như chúng ta đã biết, khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, xã hội sẽ bị ảnh hưởng. Malaysia đã trải qua điều này khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí nhập khẩu trở nên rất đắt đỏ, dẫn đến giá một số mặt hàng tăng.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào toàn bộ khu vực ASEAN, chúng ta có đất đai, con người và công nghệ. Bằng cách kết hợp những thế mạnh này và khai thác các lĩnh vực hợp tác, chúng ta có thể duy trì nguồn lương thực của riêng mình, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn bên ngoài để đảm đảm an ninh lương thực. Tôi tin rằng, với sự tiên tiến về công nghệ nông nghiệp, Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề này.
Trọng tâm thứ hai là năng lượng tái tạo. Ở Đông Nam Á, chúng ta có nhiều cơ hội để tăng cường nguồn năng lượng của mình. Chúng ta có tiềm năng thủy điện dồi dào, năng lượng mặt trời do gần đường xích đạo và thậm chí có khả năng sử dụng tảo để sản xuất nhiên liệu máy bay. Bằng cách khai thác các nguồn tài nguyên này, chúng ta có thể chia sẻ năng lượng dư thừa giữa các quốc gia.
Ví dụ, Malaysia có sản lượng năng lượng dồi dào ở Sarawak, chúng ta có thể chia sẻ với Indonesia, Singapore hoặc Lào. Ngược lại, các nước có thể chia sẻ với Thái Lan hoặc Việt Nam. Bằng cách tập trung vào thế mạnh của mình và hợp tác với nhau, 680 triệu người dân ASEAN có thể cải thiện mức sống và hỗ trợ lẫn nhau để đạt được chất lượng cuộc sống cao hơn.
Để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia trong thời gian tới, thương mại sẽ là trọng tâm chính. Điều quan trọng là phải phát huy những thế mạnh hai nước có.
Ngoài ra, Malaysia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước bằng việc có thể nới lỏng các quy định hoặc giảm một số rào cản thương mại giữa hai nước.
Một lựa chọn khác là khuyến khích liên doanh giữa các doanh nghiệp từ cả hai quốc gia hoặc mở ra nhiều cơ hội hơn cho các công ty và nhà đầu tư hợp tác với nhau.
Tôi tin rằng điều này rất quan trọng vì các mối quan hệ thương mại chặt chẽ có thể mở ra cánh cửa đến các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục...
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Chủ tịch Hạ viện Malaysia Tan Sri Dato’ Johari Bin Abdul.