Chủ động dự báo thị trường năm 2011

Việc giá cả hàng hóa tăng“chóng mặt” do tâm lý và tình trạng đầu cơ găm hàng... đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân thời gian qua. Để khắc phục tình trạng này, một trong những giải pháp mà Bộ Tài chính sẽ đề xuất Chính phủ trong năm 2011 là chủ động thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, giá cả... Ông Nguyễn Tiến Thỏa (ảnh) - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã trao đổi với PV Tin Tức xung quanh vấn đề này.

 


Thưa ông, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng năm 2010 đã ở mức 9,58%, như vậy công tác điều hành giá, góp phần kiểm soát lạm phát trong năm tới sẽ gặp không ít khó khăn?

Theo tôi, sẽ có những nhân tố khách quan và chủ quan tác động đến mặt bằng giá cả năm 2011. Theo nhiều dự báo, năm 2011, kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng phục hồi. Các nền kinh tế lớn và là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam cũng vẫn tăng trưởng nhưng thấp hơn tốc độ tăng của năm trước. Kinh tế tăng trưởng, nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất vẫn tăng dẫn đến giá cả sẽ nhích lên... Với những nhân tố trong nước, tôi cho rằng những yếu kém vốn có của nền kinh tế chưa được khắc phục triệt để như: Cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả sử dụng vốn, kết cấu hạ tầng... sẽ là nguy cơ tiềm ẩn gây lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô.

Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 8, mục tiêu cụ thể phải kiểm soát “CPI tăng không quá 7%”. Bộ Tài chính sẽ đề xuất Chính phủ những giải pháp như thế nào để thực hiện được mục tiêu này?

Để đạt được mục tiêu này, phải tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế vĩ mô như: Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, thận trọng, áp dụng tỷ giá, lãi suất phù hợp theo nguyên tắc thị trường; giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống mức 5,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP); kiểm soát nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu... Bên cạnh đó, cần triển khai các giải pháp trực tiếp về quản lý, điều hành giá, cụ thể như: Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giá theo hướng thị trường, tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; chủ động thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, giá cả trong và ngoài nước, chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đủ điều kiện, dự trữ hàng hóa đáp ứng nhu cầu, bình ổn giá cả, nhất là vào các thời điểm diễn ra lễ, Tết trong năm; hỗ trợ xây dựng các cơ sở bảo quản, dự trữ nông sản để điều hòa cung cầu, bình ổn giá cả.

Bình ổn giá cả, thị trường là một trong những giải pháp để kiềm chế lạm phát. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Tôi cho rằng năm tới, việc thực hiện lộ trình giá thị trường phải được gắn kết chặt với hoàn thiện hệ thống cung ứng hàng hóa, dịch vụ; phấn đấu giảm chi phí sản xuất và giá thành đi đôi với các chính sách, cơ chế trợ giúp hợp lý đối với các hộ tiêu dùng có điều kiện khó khăn, các đối tượng chính sách như: Từng bước điều chỉnh giá dịch vụ y tế phù hợp; có chính sách hỗ trợ về giá điện sinh hoạt, giá nước sạch... bảo đảm để những đối tượng này được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về học hành, khám chữa bệnh, nhà ở, điện nước, đi lại...

Bộ Tài chính sẽ vẫn kiên quyết xử lý hành vi liên kết và lạm dụng vị thế thị trường để tăng giá bất hợp lý; kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa dịch vụ Nhà nước định giá (điện, tài nguyên quan trọng...), hàng hóa dịch vụ có dấu hiệu liên minh độc quyền về giá như: Sữa, thép, xi măng; kiểm soát chặt chẽ các kênh chi tiêu từ ngân sách nhà nước thanh toán cho các mức giá hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước đặt hàng.

Việc buộc các doanh nghiệp đăng ký, kê khai giá là một trong những giải pháp góp phần kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ. Ông có thể cho biết các doanh nghiệp thực hiện việc này đến nay như thế nào?

Tính đến ngày 28/11, Cục Quản lý giá đã nhận được 48 hồ sơ đăng ký giá và 7 hồ sơ kê khai giá. Số lượng đăng ký giá theo từng mặt hàng như: Phân bón hóa học, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, sữa, mía đường, thóc gạo, xi măng, thép, khí hóa lỏng LPG, than... Trong số hồ sơ trên, có 35 hồ sơ của doanh nghiệp đăng ký giá có điều chỉnh giá. Qua nghiên cứu, rà soát các hồ sơ đăng ký giá đã phát hiện một số doanh nghiệp có sai sót trong quá trình thực hiện (có 6 hồ sơ không giải trình được lý do tăng giá, rơi vào mặt hàng phân bón, đường). Cục Quản lý giá đã có công văn yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng Thông tư 122 về việc chấp hành đăng ký giá, kê khai giá. Trước mắt, Cục Quản lý giá đã trình Bộ Tài chính và có công văn đề nghị 2 doanh nghiệp trong lĩnh vực phân bón hóa học chưa được phép tăng giá bán.

Thời gian tới, việc thực hiện Thông tư 122 vẫn cần được đẩy nhanh. Cục Quản lý giá đã thừa lệnh Bộ Tài chính ký Công văn số 15817 ngày 22/11 gửi Sở Tài chính để hướng dẫn nội dung thực hiện đăng ký giá và kê khai giá tại các địa phương nhằm góp phần công khai thông tin về giá, làm cho thị trường minh bạch hơn.

Xin cảm ơn ông!

Minh Phương (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN