Tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực
Trong phòng Lab hiện đại tại Trung tâm Đào tạo Thiết kế vi mạch (PSTC), Trường Đại học Phenikaa, các học viên đang say sưa với những màn hình chi chít các dòng mã và sơ đồ mạch. Đây là những học viên đầu tiên tham gia chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch bán dẫn tại trung tâm. Tại đây, học viên được trải nghiệm các công cụ trình giả lập tiên tiến thế giới như Zebu 5, Zebu 4, HAPS-100… và thực hành thiết kế kỹ thuật Analog và Digital Design trên phần mềm thiết kế vi mạch tiên tiến thế giới từ Synopsys - Công ty dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và IP bán dẫn.
Sau 6 tháng tham gia khóa đào tạo tại PSTC, bạn Nguyễn Hữu Đạt, sinh viên Trường Điện – Điện tử (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Được thực hành liên tục trên phần mềm tiên tiến thế giới giúp em nâng cao kỹ năng và trải nghiệm thực tế, qua đó thực hành được các công đoạn quan trọng trong quá trình phát triển chip. Dự kiến em sẽ hoàn thành khóa học vào đầu năm 2025 và sẵn sàng làm việc tại các công ty thiết kế vi mạch bán dẫn”.
PGS.TS Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phenikaa, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Phenikaa cho biết, trường đã tăng cường trao đổi, hợp tác với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo bán dẫn trên thế giới nhằm mở rộng hoạt động đào tạo cũng như chuẩn bị đầu ra cho nguồn nhân lực. Trường đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo hơn 8.000 kỹ sư thiết kế vi mạch có chứng chỉ quốc tế và đào tạo ít nhất 12.000 kỹ sư, công nhân bậc cao có chứng chỉ quốc tế làm việc trong các nhà máy ở các lĩnh vực thiết kế chip số, chip tương tự, sản xuất chip, đóng gói và kiểm thử.
Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình, Tập đoàn hiện có khoảng 200 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn làm việc với khoảng 30 khách hàng tại 3 quốc gia là Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, năm 2024, FPT đã tuyển sinh được 1.500 sinh viên các chuyên ngành liên quan đến bán dẫn. Với mục tiêu chung của Chính phủ đến năm 2030 đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, Tập đoàn FPT cam kết đào tạo 10.000 nhân sự. Hiện nay, công tác đào tạo đang được triển khai mạnh mẽ trong hệ thống của Tập đoàn.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Vũ Quốc Huy, mô hình liên kết Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp đang mang lại kết quả tích cực trong phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với các tập đoàn công nghệ Cadence, ARM, Siemens hỗ trợ bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch cho trên 30 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam; đồng thời, phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế là các trường Đại học: Bang Arizona, Qorvo, Dolphin, FPT… tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, nâng cao dành cho hơn 1.000 giảng viên, sinh viên. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030 là hoàn toàn khả thi.
"Làn sóng bán dẫn" lan tỏa đến các địa phương, doanh nghiệp
Tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh, phát triển công nghiệp bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rào cản về quy trình, thủ tục hành chính đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bán dẫn. Thúc đẩy “ngoại giao bán dẫn”, chuyển giao và làm chủ công nghệ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang xúc tiến hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... để chuyển dịch chuỗi cung ứng, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng sản xuất sang Việt Nam. Đặc biệt, đối với Tập đoàn công nghệ số 1 thế giới là NVIDIA, Bộ đã phối hợp với cơ quan liên quan trao đổi, làm việc với Tập đoàn NVIDIA để cụ thể hóa phương án hợp tác và đã đạt được nhiều kết quả đột phá, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, trở thành điểm đến của công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Nhiều địa phương trên cả nước đang đồng loạt triển khai các chính sách để phát triển ngành bán dẫn. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, ông Vương Quốc Tuấn cho biết, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù trong thu hút đầu tư như: Rút ngắn ít nhất 1/3 thời gian thủ tục cấp phép đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn; bảo đảm cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường dây diện song song, không để xảy ra mất điện. Tỉnh cũng ban hành chính sách riêng về hỗ trợ học phí cho sinh viên học tại Bắc Ninh (50% học phí), với tổng kinh phí hỗ trợ đến năm 2030 dự kiến đạt 1.000 tỷ đồng, số đối tượng thụ hưởng xấp xỉ khoảng 10.000 sinh viên. Trong năm 2025, tỉnh tập trung xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung của tỉnh, rộng 274ha, tích hợp đầy đủ 7 chức năng, nhiệm vụ như nghiên cứu, giáo dục, sản xuất, thương mại, trung tâm chuyển đổi số… phấn đấu đưa Bắc Ninh trở thành "thủ phủ" ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam và là một mắt xích quan trọng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Ở góc độ doanh nghiệp, Trung tá Nguyễn Đạt, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel cho biết, Viettel đã làm việc với Tập đoàn NVIDIA và cam kết sẽ xây dựng, triển khai trung tâm dữ liệu có quy mô lớn nhất của Việt Nam và khu vực. Dự kiến trong giai đoạn 1 dự án, Viettel sẽ đầu tư khoảng 100 triệu USD ngay trong năm 2025 để mua thiết bị. Hạ tầng, cơ điện cũng như tổng trạng của trung tâm này đã được Viettel hoàn thành xây dựng trước đó. Viettel đang xây dựng kế hoạch triển khai Đề án đầu tư xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nhu cầu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip bán dẫn theo tiến độ được giao. Đây sẽ là nhà máy sản xuất chip đầu tiên tại Việt Nam và của Việt Nam, góp phần hiện thực hóa giấc mơ về ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) dự báo, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 - 2028. Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội bán dẫn toàn cầu Đông Nam Á cho rằng: “Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 10/2024 đã giúp các đối tác, tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đánh giá về tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử và các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Qua đó, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn trong ngành bán dẫn đầu tư vào Việt Nam, như trường hợp của Tập đoàn NVIDIA là một kết quả khích lệ”.