Chống thất thu ngân sách, giảm chi phí hội họp

Theo các đại biểu Quốc hội, kỷ luật tài khóa của chúng ta chưa nghiêm, trong lúc thu ngân sách khó khăn, thì nhiều nơi vượt chi tiêu lớn, hội nghị, hội thảo… được tổ chức nhiều. Đặc biệt, nhiều công trình xây xong không sử dụng, gây lãng phí nghiêm trọng.

Lãng phí công trình nghìn tỷ

Ngày 31/10, các đại biểu thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015. Theo các đại biểu, mặc dù việc thu ngân sách đang gặp nhiều khó khăn, nợ công, chi thường xuyên tăng nhanh, nhưng việc chi tiền từ ngân sách vẫn còn lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN



Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Thái Nguyên) dẫn chứng: “Một ký túc xá sinh viên mới được xây dựng ở Đà Lạt, kinh phí lên tới trên 1.080 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ có 1 sinh viên đến ở. Nguyên nhân là do, công trình ở cách xa nơi học tới 5 km, đường vào rất khó khăn. Điều đó cho thấy việc sử dụng ngân sách chưa được tính toán, gây lãng phí, thất thoát”.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh):

Quyết liệt giảm chi phí hội họp

Cần chống trốn thuế, nợ đọng thuế, gian lận thương mại, giảm ngay 10% ngân sách hội thảo, hội nghị, đi nước ngoài, giảm bớt bộ máy hành chính, tổ chức đoàn thể. Thu gọn bộ máy hoạt động, giảm biên chế. Dự kiến, đến 2020 mới giảm 100.000 biên chế là quá ít, vì hiện nay tới 1/3 công chức làm việc không hiệu quả, ngoài ra cần giảm bớt số lượng lãnh đạo. Người làm thì ít nhưng phấn đấu làm lãnh đạo nhiều quá.

Ngoài ra, công khai các dự án lãng phí để có biện pháp xử lý, quy trách nhiệm cụ thể, hàng ngàn tỷ đồng sẽ được giải quyết thỏa đáng. Tổng lại, từ những nguồn này là quá đủ để chúng ta tăng lương, đặc biệt với những người lương thấp, về hưu trước năm 1993. Chúng ta phải “Bớt ăn đi dành tiền cho họ”. 


Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai), Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

Bằng mọi cách tăng lương cho người lao động

Chúng ta đã có lộ trình tăng lương cho người lao động. Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp hai lần và cho rằng, mức lương phải tăng 32% mới đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn thì cần tăng 4 - 15% cho người lao động. Ngoài ra, ở khu vực hưởng lương từ ngân sách, chúng ta nói khó khăn quá không tăng lương, nhưng làm sao để họ đủ sống. Do vậy, đề nghị thật sự tiết kiệm chi tiêu ngân sách và tăng lương cho cán bộ, công chức. 


Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị), Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng:

Cắt giảm công trình để tăng lương

Nhiều cán bộ biến biệt thư công, nhà công vụ thành chung cư gia đình của nhiều thế hệ. Nếu chính phủ sử dụng đúng mục đích thì hàng trăm biệt thự công, nhà công vụ đã có thể thu hồi bán đấu giá hoặc cho thuê sẽ "ngày ngày đẻ trứng vàng" cho ngân sách nhà nước. Đồng thời cần cắt giảm hàng trăm công trình chưa cần thiết, điều chỉnh hàng nghìn công trình quá hoành tráng để chống thất thoát lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản thì sẽ thêm được hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách, là nguồn quan trọng để đầu tư phát triển, cải cách tiền lương theo lộ trình.

“Địa phương nào cũng báo cáo hoàn thành nhiệm vụ, dẫn tới liên hoan, tổng kết… được tổ chức liên tục, nhưng khi yêu cầu đóng góp vào ngân sách thì ai cũng than khó khăn. Do vậy, cần thể chế hóa để bảo đảm thu ngân sách cho Nhà nước”, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho biết: “Kỷ luật tài khóa của chúng ta chưa nghiêm. Báo cáo của Chính phủ về tình hình chi ngân sách Nhà nước năm nay cho thấy hầu hết các ngành đều vượt chi. Tiêu biểu như chi sự nghiệp y tế vượt trên 4.000 tỷ đồng; chi giáo dục, đào tạo, dạy nghề vượt chi hơn 1.500 tỷ đồng”.

“Ngành nào lĩnh vực nào cũng vượt chi, chỉ có ngành dân số kế hoạch hóa gia đình và chi khoa học công nghệ không vượt. Kỷ luật tài khóa như vậy là kém. Trong tình hình khó khăn ngân sách như hiện nay, nơi nào, ngành nào vượt chi thì cần phải biết xấu hổ. Người dễ dãi cho phép vượt chi cũng nên phải biết xấu hổ”, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nói.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cảnh báo: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nếu cứ tiêu tiền để bảo đảm các tiêu chí khác thì liệu có bảo đảm được nguồn thu cho ngân sách nhà nước? Đây cũng là nguyên nhân làm cho nợ công, phát hành trái phiếu tăng lên. Từ năm 2011 chúng ta đã phát hành trái phiếu để đảo nợ. Nợ công dự báo đến năm 2020 mới đạt ngưỡng 65% GDP, nhưng đến năm 2015 đã đạt ngưỡng 64%. Như vậy, là đã tiêu hết tiền của 6 năm về sau”.

Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh): “Bội chi ngân sách liên tục tăng, năm 2011 chỉ là 4,4% GDP, tới năm 2014 lên tới 5,3% GDP; dẫn tới nợ công 2015 xác định là 64% GDP, đây là mức trần do QH khóa 13 thông qua và đó không phải là mức an toàn. Nếu chúng ta tăng trưởng không đạt 6,2% thì nợ công có khả năng vượt 65%”.

“Nợ công và bội chi, không lo không trả nợ được nhưng điều lo lớn nhất là sử dụng không hiệu quả, mất vốn. Làm sao để xã hội tin rằng, tiêu vốn ngân sách hiệu quả. Ngoài ra, cần tính đúng, tính đủ nợ công, nợ hàng năm phải trả so với thu ngân sách, nợ quá hạn không trả được. Đề nghị, tính đầy đủ, lộ trình chặt chẽ hơn về trả nợ công”, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nói.

Chống thất thu ngân sách


Theo các đại biểu QH, việc giảm bội chi là khó, nên cần tăng nguồn thu,thu đúng, thu đủ và chống thất thoát ngân sách, thất thu từ nhóm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) thường khai lỗ.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng: “Thực trạng tài chính đang trong giai đoạn khó khăn. Năm 2013, nguồn thu vượt dự kiến với sự cố gắng rất nhiều của ngành tài chính. Năm 2014, việc tăng thu là khó. Vì vậy, phải thực hiện việc nuôi nguồn thu. Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, để tăng thu. Điều chỉnh thuế rượu, thuốc lá… tăng là hợp lý. Đồng thời quản lý chặt chi tiêu cho nông thôn mới, y tế… thúc đẩy xã hội hóa toàn dân”.

“Số nợ đọng thuế chiếm 10% trên tổng thu ngân sách Nhà nước, có địa phương tới 20% ngân sách. “Để lâu hóa bùn” không công bằng với các doanh nghiệp chân chính khác. Năm 2015 phải xử lý nghiêm các tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế, thành lập doanh nghiệp để buôn bán hóa đơn… tạo thêm nguồn thu cho ngân sách”, Đại biểu Đinh Trịnh Hải (Ninh Bình) nói.

Ngoài ra, “ Phải kiểm soát, không để chi giàn trải, phân tán. Đề nghị mạnh dạn sắp xếp lại các chương trình mục tiêu quốc gia, từ 16 xuống còn 4 chương trình, phân bổ thẳng ngân sách về các địa phương, tránh trung gian, giàn trải, phân tán, thất thoát tới 40 - 50% kinh phí” đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Xu hướng những năm qua, chi thường xuyên tăng liên tục, dẫn tới tình trạng làm không đủ ăn, muốn đầu tư gì cũng phải vay. Do vậy, tôi đề nghị cắt giảm mạnh kinh phí các chương trình sơ kết, tổng kết, hội nghị, hội thảo… trước hết từ các cơ quan Chính phủ ”.

Hữu Vinh

Hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, giải thể

Trước ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội về việc có hàng chục doanh ngàn doanh nghiệp phá sản, giải thể trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 30 và 31/10; PV báo Tin Tức đã phỏng vấn đại biểu Cao Sỹ Kiêm...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN