Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Địa chất và khoáng sản

Sáng 25/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các bộ, ngành và 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Đề xuất 3 nhóm nội dung chính

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, thời gian qua, nhiều công trình đầu tư công, nhất là các dự án giao thông trọng điểm gặp vướng mắc trong việc cung ứng nguồn vật liệu xây dựng, đặc biệt là đất san lấp, cát và đá. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất 3 nhóm nội dung chính cần được điều chỉnh, sửa đổi và quy định rõ trong Nghị quyết.

Cụ thể, Bộ đề xuất cho phép cấp phép thăm dò mở rộng và khai thác xuống sâu mà không cần căn cứ vào quy hoạch khoáng sản hoặc phương án quản lý địa chất, khoáng sản trong quy hoạch tỉnh. Việc cập nhật quy hoạch sẽ thực hiện sau. Bên cạnh đó, việc bổ sung các trường hợp không phải thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, áp dụng đối với các mỏ cung cấp cho công trình đầu tư công, dự án trọng điểm, công trình quốc phòng, an ninh hoặc dự án chế biến sâu đã được phê duyệt. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (nhóm III), gồm: cát sông, cát biển và đá xây dựng.

Về cơ chế đóng cửa mỏ, Bộ đề xuất quy định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện và bổ sung khoản phí thẩm định vào luật phí và lệ phí, nhằm đảm bảo nguồn thu và tăng cường trách nhiệm quản lý.

Riêng đối với cát biển, loại vật liệu được nhiều địa phương quan tâm trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung, hiện tồn tại vướng mắc về thẩm quyền cấp phép, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng, cần nghiên cứu điều chỉnh để phân định thống nhất, tạo thuận lợi trong cấp phép, giám sát khai thác.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng tiếp thu các ý kiến góp ý từ thực tiễn địa phương và các bộ, ngành để hoàn thiện quy định, bảo đảm tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc, đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng và tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên khẳng định.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu tiếp cận linh hoạt, thực chất, hiệu quả trong quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ các công trình hạ tầng, nhất là dự án đầu tư công và công trình trọng điểm, song tuyệt đối không buông lỏng quản lý hay để xảy ra tình trạng lợi dụng cơ chế đặc thù để trục lợi.

“Không nên phân biệt công hay tư trong việc áp dụng cơ chế ưu tiên về nguồn vật liệu, miễn là công trình đó có tính chất hạ tầng quan trọng, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Tài nguyên là của quốc gia, do đó cần được quản lý, khai thác trên nguyên tắc tối đa hóa lợi ích công, giảm chi phí cho nhà nước và người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Riêng đối với cát biển, Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ vướng mắc về thẩm quyền và quy hoạch quản lý, đảm bảo thống nhất pháp lý giữa Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Địa chất và khoáng sản, tháo gỡ ách tắc cho các địa phương trong tổ chức khai thác hợp lý, hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, các nội dung trong dự thảo nghị quyết liên quan đến dự án đầu tư công, cơ chế giao quyền khai thác khoáng sản, điều chỉnh linh hoạt thẩm quyền cấp phép và việc không đấu giá với khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng là phù hợp với thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn trong cung ứng vật liệu xây dựng và đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài đề nghị, rà soát, làm rõ hơn quy định xử lý các hành vi vi phạm đến mức phải thu hồi giấy phép, tránh mâu thuẫn với quy định hiện hành của Luật Địa chất và khoáng sản.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Lào Cai… cho rằng nghị quyết sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cấp phép và khai thác khoáng sản, nhất là đối với các dự án trọng điểm quốc gia, vùng và địa phương; đồng thời đề nghị bổ sung nhiều nội dung cụ thể nhằm xử lý các trường hợp giấy phép đã thu hồi nhưng chưa đóng cửa mỏ, dự án vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, phân phối sản phẩm đi kèm khi nâng công suất mỏ...

Rút ngắn thủ tục, nâng cao trách nhiệm địa phương

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các cơ chế, chính sách mới về địa chất và khoáng sản chỉ vừa có hiệu lực theo Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 từ ngày 1/7/2025, nên nhiều nội dung chưa được triển khai, cần có thêm thời gian để đánh giá, kiểm nghiệm từ thực tiễn.

Tuy nhiên, nhiều quy định trong Luật Địa chất và khoáng sản dù được xây dựng bài bản, căn cơ, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh điều chỉnh các đơn vị hành chính, thiết lập chính quyền địa phương 2 cấp. Do vậy, nếu tiếp cận tổng thể, bài bản như trong Luật thì khó có thể triển khai trong ngắn hạn. Trên cơ sở đó, Chính phủ xác định phải ban hành một nghị quyết có thời hạn cụ thể, chỉ từ 1-2 năm, nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, trong thời điểm luật chưa theo kịp hoặc chưa đủ điều kiện để sửa đổi.

“Cùng với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cấp bách trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản; cần thực hiện tốt phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm giấy tờ, đồng bộ các quy trình và giao thẩm quyền cho địa phương chủ động quyết định”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Khi triển khai nghị quyết, các địa phương phải tiếp cận bài bản, tinh giản trình tự, thời gian thủ tục, tiến hành đồng thời, rút ngắn thời gian. Công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng, phương án công nghệ khai thác và môi trường là bắt buộc, chỉ khác ở việc tối ưu hóa thời gian. Địa phương phải chịu trách nhiệm về an toàn, chất lượng, môi trường sinh thái, hiệu quả sử dụng tài nguyên và đúng mục đích khai thác.

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rút ngắn quy trình, thủ tục thu hồi mỏ do cấp phép, quản lý nhà nước không đúng, dẫn đến phải đóng cửa mỏ rồi mới cấp lại. Các vi phạm cần được xử lý theo quy định pháp luật. "Việc thu hồi phải đúng luật, xử phạt hành chính, cho khắc phục và tiếp tục thực hiện”, Phó Thủ tướng nói.

Về khoanh định khu vực không đấu giá, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp thu ý kiến địa phương, bổ sung một số mỏ đã thăm dò hoặc mỏ vật liệu xây dựng đang gặp vướng mắc do quy hoạch không phù hợp. Trình tự thủ tục khoanh định và đấu giá cần xem xét, rà soát kỹ.

Phó Thủ tướng cho rằng, cần xem xét mở rộng phạm vi các dự án trọng điểm quốc gia như nhà ở xã hội, các công trình trọng điểm địa phương để áp dụng cơ chế trong nghị quyết. Sau khi hoàn thành khai thác các mỏ khoáng sản, cần cải tạo môi trường, trả lại đất theo quy hoạch sử dụng. Địa phương chịu trách nhiệm và quản lý chặt chẽ đất sau đào đắp để sử dụng cho dự án khác, tránh lợi dụng cơ chế đặc thù. Các công trình, dự án trọng điểm sử dụng ngân sách nhà nước cần ưu tiên giảm chi phí bằng cách miễn thuế tài nguyên, chỉ tính chi phí thăm dò, khai thác và vận tải.

Đối với một số mỏ cát tại các khu vực cần nạo vét như luồng lạch, hồ đập, bãi bồi nhưng chưa được khai thác do vướng mắc về quy trình, Phó Thủ tướng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm giữa địa phương và Bộ Xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm đối với các luồng lạch liên tỉnh, bao gồm việc tính toán đề án, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật. Địa phương chịu trách nhiệm với các khu vực thuộc phạm vi địa bàn quản lý. Trong trường hợp nhiệm vụ nạo vét trùng với khai thác tài nguyên, cần ưu tiên thực hiện để tận dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên phục vụ các dự án đầu tư công, hạn chế thất thoát, giảm các thủ tục đấu thầu phức tạp...

Diệp Trương (TTXVN)
Kế hoạch triển khai thi hành Luật Địa chất và khoáng sản
Kế hoạch triển khai thi hành Luật Địa chất và khoáng sản

Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 12/3/2025 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Địa chất và khoáng sản số 54/2024/QH15.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN