Ông Pierre Gréga cho biết rất ấn tượng với những thành công mà Việt Nam đã đạt được nhờ chính sách đối ngoại của mình. Đó là chính sách đa phương, mở cửa với các nước trên thế giới. Điều này đã giúp Việt Nam có quan hệ đối ngoại với hơn 100 nước trên thế giới, đã ký các hiệp định hợp tác, hợp tác chiến lược, hiệp định thương mại tự do với khoảng 15 quốc gia, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), một động lực thúc đẩy kinh tế và đầu tư ở Việt Nam.
Ông Gréga nói điều thú vị mà ông nhận thấy đó là Việt Nam khá độc lập với các cường quốc trên thế giới, cân bằng trong mối quan hệ với các cường quốc này và có mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng. Ông nhấn mạnh Việt Nam cũng khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế khi đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2020, ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Tất cả những điều này cho thấy thành quả của chính sách đối ngoại của Việt Nam được thế giới công nhận.
Bày tỏ quan điểm về cách thức mà Việt Nam tiếp tục thực hiện để nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, ông Pierre Gréga cho rằng trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như hiện nay, căng thẳng, xung đột và dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu…, có rất nhiều nguy cơ hiện hữu trên thế giới, điều quan trọng là phải giữ được sự tự chủ, tạo thế cân bằng trong mối quan hệ với các cường quốc trên cơ sở chính sách đa phương. Theo ông, điều này rất quan trọng để đối thoại với các cường quốc, đồng thời tạo dựng được một vị thế trong mối quan hệ hợp tác với các quốc gia khác.
Ông Gréga cho rằng, Việt Nam có thể tăng cường quan hệ ngoại giao, đầu tư tại châu Phi như trường hợp của Bỉ, một quốc gia nhỏ ở châu Âu nhưng khá thành công tại châu Phi, bên cạch các quốc gia lớn khác như Pháp và hiện nay là Trung Quốc. Ông khẳng định Việt Nam vẫn tạo dựng được một vị trí quan trọng ở châu Phi trong mối quan hệ hợp tác Nam-Nam, bởi Việt Nam đã có khá nhiều đối tác Nam-Nam và đây là những tiềm năng để Việt Nam mở rộng hợp tác.
Đề cập đến chính sách Đổi mới của Việt Nam được thực hiện từ năm 1986, ông Gréga nhấn mạnh Việt Nam đổi thay nhanh chóng. Đã từng đến Việt Nam trong những năm 1990 và từ đó đến nay, ông đã có hàng chục chuyến công tác tại quốc gia Đông Nam Á này, ông Gréga nhận xét chính sách Đổi mới tạo thuận lợi cho Việt Nam trong phát triển kinh tế thị trường. Đây là bước đi đầu tiên quan trọng tạo điều kiện thuận lợi mở cửa cho lĩnh vực nông nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước. Nền kinh tế mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. Đó chính là thành quả của chính sách Đổi mới của Việt Nam.
Ông nhấn mạnh điều quan trọng cho đến nay là Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đối với ông, đây là điều thú vị. Việt Nam vẫn giữ được thế cân bằng giữa phát triển kinh tế và chủ nghĩa xã hội. Nhà nước giữ vai trò quan trọng, là nhân tố điều tiết thị trường, cân bằng, giảm sự mất cân đối trong nền kinh tế. Theo ông, Đổi mới đã đưa Việt Nam hội nhập với thế giới và nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải thận trọng với những nguy cơ mà nền kinh tế thế giới gây ra và hiện nay nhiều nước đang phải đối mặt. Nhưng ông Gréga cho rằng công cụ hiệu quả của Việt Nam là nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có cấu trúc tốt và được bảo tồn tốt.
Với tư cách là Chủ tịch Hội hữu nghị Bỉ-Việt, ông Pierre Gréga khẳng định tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa Việt Nam và Bỉ, hỗ trợ Việt Nam về mặt chính trị để tăng cường quan hệ trao đổi giữa nghị viện và chính phủ hai nước nhằm thúc đầy hợp tác song phương một cách hiệu quả nhất. Năm 2023 sẽ đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Bỉ và Hội hữu nghị Bỉ-Việt đang chuẩn bị cho sự kiện này. Hội cũng tiếp tục thúc đẩy ngoại giao nhân dân nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa Hội hữu nghị Bỉ-Việt và Hội hữu nghị Việt-Bỉ.