Hội nghị thu hút hơn 2.000 đại biểu tham dự. Hội nghị còn trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, các doanh nghiệp đã thấy được sự nỗ lực của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp. Do vậy, Chính phủ đề nghị các đại biểu đưa ra kế hoạch hành động, có sự bứt phá. Chính phủ mong nhận được ý kiến thẳng thắn, chân thành và xây dựng từ phía các doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. |
Đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trí Dũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế, lấy tinh thần phục vụ doanh nghiệp làm phương châm hoạt động của chính quyền các cấp. Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao, Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương đã tích cực tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Định kỳ hàng quý, Chính phủ họp tổng kết, đánh giá, đôn đốc các bộ, ngành tích cực triển khai Nghị quyết. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp tại địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn để kịp thời tổng hợp, giải quyết các kiến nghị và khó khăn của doanh nghiệp.
Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trong đó tập trung cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Một số lĩnh vực được cải thiện rõ rệt về thủ tục hành chính.
Thủ tục về thuế và hải quan đã được đẩy mạnh cải cách thông qua việc áp dụng hiện đại hoá, giảm thủ tục, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore). Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 11/14 bộ. Tổng số bộ hồ sơ hành chính đã được xử lý trên cổng là 264.000 bộ hồ sơ, với sự tham gia của hơn 8.200 doanh nghiệp.
Các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính đã đạt được một số kết quả nhất định: 4.527/4.723 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 95,85%) đã được đơn giản hóa.
Vẫn quá nhiều đoàn kiểm tra
Tuy nhiên, theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), công tác cải cách thủ tục hành chính mặc dù đã được thực hiện tốt nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư lại chỉ có trình độ, năng lực hạn chế; tình hình gây phiền hà, nhũng nhiễu còn diễn ra. Một số UBND các tỉnh chưa đảm bảo tổ chức đối thoại với doanh nghiệp công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm.
Dẫn lời nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi “tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris”; chí sĩ Lương Văn Can “việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy”..., Thủ tướng cho rằng những bài học, hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp và phát triển. |
Đặc biệt, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, tình trạng doanh nghiệp than phiền về việc các thủ tục hành chính chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều. Nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Doanh nghiệp một năm phải tiếp 6 - 7 đoàn thanh tra, kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức.
Công tác giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại liên quan đến doanh nghiệp của tòa án các cấp còn chậm, kéo dài khiến doanh nghiệp ít lựa chọn phương án kiện ra tòa khi có tranh chấp. Việc tòa án giải quyết phá sản doanh nghiệp chưa nhiều và nói chung công tác thi hành án dân sự rất cần tiếp tục nâng cao về thời gian thực hiện và hiệu quả.
Trong thời gian tới VCCI đề nghị tập trung rà soát, loại bỏ các quy định cho phép các cơ quan Nhà nước can thiệp quá sâu vào các thị trường như: thị trường đất đai, thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường công nghệ, thị trường công nghiệp.
Cụ thể, xem xét đề xuất với Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, theo hướng xác lập quyền tài sản của người dân đối với đất đai; bảo đảm việc chuyển đổi công năng sử dụng đất một cách nhanh chóng; hỗ trợ tích tụ đất đai với cơ chế giá do thị trường quyết định. Trước mắt, Nhà nước phải xử lý nghiêm các trường hợp quy hoạch treo dẫn đến cản trở công việc kinh doanh của doanh nghiệp, có cơ chế linh hoạt điều chỉnh giá thuê đất phù hợp với khả năng sinh lợi.
Không hành chính hóa các tổ chức kinh doanh như Nghị định 01/2017/NĐ - CP sửa đổi bổ sung một số nghị định, quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, hiện đang khoác cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trách nhiệm như một cấp quản lý hành chính đất đai trung gian mà đáng lẽ đó là việc của cơ quan quản lý nhà nước.
VCCI đề nghị Nhà nước cần có giải pháp mạnh mẽ hơn, mang tính chất đột phá để cải cách thủ tục hành chính cũng như trong việc tổ chức, triển khai, giám sát thực hiện mô hình một cửa, trung tâm hành chính công; cải tiến hình thức tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương; nghiên cứu thấu đáo và giải quyết triệt để các vướng mắc của doanh nghiệp một cách kịp thời, thỏa đáng, tránh tình trạng bao biện “giải thích” nhiều mà “không giải quyết”.
Cần tiếp tục triển khai các hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 35 từ năm 2017 và các năm tiếp theo để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp về một chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ có chỉ thị cụ thể để các cơ quan nhà nước thực hiện hoặc bổ sung, sửa đổi một số nội dung Nghị quyết 35 cho phù hợp với giai đoạn tới. Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp.