Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đường bộ

Ngày 26/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1044/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đường bộ.

Chú thích ảnh
Lực lượng Cảnh sát giao thông điều tiết, phân luồng giao thông tại tuyến đường Giải Phóng - Ngọc Hồi, Hà Nội. Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN

Luật Đường bộ số 35/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Để thực hiện Luật Đường bộ kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đường bộ nhằm nâng cao nhận thức về Luật Đường bộ và trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thi hành Luật Đường bộ. Đồng thời, xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Đường bộ, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả.

Xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Đường bộ trên phạm vi cả nước.

Nội dung của Kế hoạch gồm: Tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến, tập huấn chuyên sâu về Luật Đường bộ; tuyên truyền, phổ biến Luật Đường bộ; tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đường bộ; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật; tổ chức theo dõi, kiểm tra và báo cáo kết quả thi hành Luật.

Theo Kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí, các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Đường bộ và các điểm mới của Luật này bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế; tổ chức thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến Luật Đường bộ, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật này trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ở trung ương, Bộ Giao thông vận tải chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ được giao tại Quyết định số 717/QĐ-TTg ngày 27/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn điểm c khoản 4 Điều 8, khoản 5 Điều 30 Luật Đường bộ. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chủ trì ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn khoản 4 Điều 57, khoản 1 Điều 84 Luật Đường bộ.

TTXVN/Báo Tin tức
Luật Đường bộ 2024 quy định cơ chế đột phá phát triển đường cao tốc
Luật Đường bộ 2024 quy định cơ chế đột phá phát triển đường cao tốc

Luật Đường bộ 2024 vừa được Quốc hội thông qua gồm 3 chính sách: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đường bộ cao tốc; tổ chức vận tải đường bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN