Khu di tích lịch sử, nơi ghi dấu tội ác của Mỹ - Ngụy ném bom sát hại trên 300 người dân vô tội.
Khơi mạch nguồn phát triển du lịch
Thị xã Phước Long đang sở hữu những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như, núi Bà Rá, hồ Thác Mơ, hồ Long Thủy. Nhiều di tích mang đậm dấu ấn lịch sử của vùng đất anh hùng như: Tượng đài chiến thắng Phước Long, miếu Bà Rá, vườn cây lưu niệm bà Nguyễn Thị Định, nơi ghi dấu tội ác của Mỹ - Ngụy tại cầu Đăk Lung...
Đặc biệt, từ Chiến thắng Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, năm 2002, Ủy ban nhân dân thị xã Phước Long đã xây dựng Nhà truyền thống Phước Long. Đến năm 2018, thị xã nâng cấp xây dựng quy mô lớn hơn và đổi tên thành Bảo tàng Chiến dịch Đường 14 - Phước Long. Nơi đây lưu giữ nhiều hiện vật quý của chiến tranh, gợi cho người xem về ký ức một thời oanh liệt đã qua.
Ông Nguyễn Hùng Minh, quản lý Bảo tàng Chiến dịch Đường 14-Phước Long cho biết, Bảo tàng này thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tham quan. Đặc biệt, nhiều thế hệ trẻ, học sinh đến đây để hiểu thêm về lịch sử hào hùng của Chiến thắng Phước Long và sự phát triển của địa phương qua các thời kỳ.
Bảo tàng Chiến dịch đường 14 - Phước Long đang trưng bày nhiều khí tài chiến tranh như: Máy bay C123 và F5E, xe tăng T34 và xe tăng M48, pháo 105mm; hình ảnh, hiện vật và sa bàn Chiến dịch đường 14 - Phước Long thể hiện các trận đánh, mũi tiến công của quân và dân ta thông qua phim tư liệu giới thiệu về chiến dịch. Một phần, Bảo tàng trang trọng trưng bày những chứng tích về nhà tù Bà Rá và dấu ấn cuộc đời hoạt động cách mạng của Thiếu tướng Nguyễn Thị Định.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Vũ Thanh Ngữ cho biết, linh hồn của Bảo tàng chính là phần không gian trưng bày về Chiến dịch Đường 14 - Phước Long. Đó là những hình ảnh, hiện vật và tài liệu trưng bày thể hiện rõ quá trình chuẩn bị, diễn biến, kết quả của chiến dịch cũng như những đóng góp của quân và dân địa phương trong chiến trường Đường 14 - Phước Long. Ngoài ra, không gian còn trưng bày về lịch sử, văn hóa, vùng đất, con người Phước Long; giới thiệu tổng quan vùng đất, con người, văn hóa Phước Long; lịch sử Phước Long qua các cuộc chiến tranh và thành tựu nổi bật từ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước cho đến nay.
Thời gian qua, nơi đây đã thiết kế được nhiều tua, tuyến du lịch kết nối các điểm tham quan trên địa bàn thị xã Phước Long như: Tham quan Bảo tàng Đường 14 - Phước Long - Tượng đài chiến thắng Phước Long - Vườn cây lưu niệm bà Nguyễn Thị Định - địa điểm nơi ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ, Ngụy tại cầu Đăk Lung; kết hợp tham quan các điểm có yếu tố di tích lịch sử và một số danh lam, thắng cảnh như, núi Bà Rá, hồ Thác Mơ, hồ Long Thủy trên địa bàn thị xã Phước Long. Các tua, tuyến du lịch kết nối điểm tham quan ở thị xã với các địa phương khác trong tỉnh.
Trung tâm hành chính thị xã Phước Long được bố trí xây dựng cách núi Bà Rá hơn 2km.
Ngoài ra, các tour, tuyến du lịch kết nối điểm tham quan các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh…) với tỉnh Bình Phước; tuyến du lịch quốc tế “Một ngày qua 4 nước”: Bình Phước (Việt Nam) - Kratie, StungTreng (Campuchia) - Champasak (Lào) - Ubon Thani (Thái Lan)...
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Vũ Thanh Ngữ cho biết, cùng với các điểm du lịch tỉnh, chiến thắng của Chiến dịch Đường 14 - Phước Long đã tạo ra những giá trị của hình thức du lịch lịch sử. Không chỉ lớp trẻ có cơ hội được tiếp cận lịch sử một cách tự nhiên, chân thực và thú vị hơn mà những người trưởng thành có cơ hội nhìn nhận lại lịch sử, thấu hiểu những câu chuyện đó để truyền cảm hứng học tập cho thế hệ sau này.
Theo ông Vũ Thanh Ngữ, để tiếp tục phát huy nguồn tài nguyên du lịch phong phú trong tỉnh và giá trị lịch sử của Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, thời gian tới, cần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các dự án phát triển du lịch liên quan đến Chiến dịch; bảo tồn và phát huy chuỗi giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn thị xã và vùng lân cận tạo thành chuỗi giá trị trong kết nối tua, tuyến du lịch. Đồng thời, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, thiết kế xây dựng và giới thiệu thêm tour, tuyến, sản phẩm du lịch lịch sử gắn với Chiến dịch Đường 14 - Phước Long có tính mới, nét riêng biệt, mang dấu ấn đặc sắc riêng có của Bình Phước.
Thời gian qua, thị xã Phước Long nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung luôn đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tới nhân dân thông qua việc tổ chức các sự kiện mang tính văn hóa-xã hội. Từ đó, mảnh đất anh hùng càng được người dân trong và ngoài nước biết đến.
Phát triển thành đô thị trẻ năng động
Từ chỗ thiếu ăn, năm 1977 đến năm 1980, bình quân lương thực trên đầu người của Phước Long đạt 620kg/năm. Đặc biệt, tổng sản phẩm đạt 468 tỷ đồng (năm 1999) và 880 tỷ đồng (năm 2004). Đây là một trong những huyện có thu nhập bình quân đầu người cao của tỉnh.
Giai đoạn 2009 - 2024, với tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cùng sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Phước Long nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng của địa phương, đạt nhiều kết quả nổi bật. Một số công trình tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội như: Hồ Long Thủy, một số tuyến đường kết nối vùng, xây dựng cầu bắc qua sông Bé nối thị xã Phước Long với huyện Bù Gia Mập…
Hôm nay, Phước Long đã khoác lên mình diện mạo mới, vươn mình mạnh mẽ trở thành đô thị văn minh, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Nền kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách nhà nước và thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng vượt bậc, đạt 120 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2024, tăng gấp 13 lần so với năm 2010.
Chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu của quê hương, ông Nguyễn Ngọc Châu (77 tuổi), xúc động chia sẻ: Phước Long ngày nay đã phát triển vượt bậc, hoàn toàn khác xưa. Từ mảnh đất chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh, Phước Long đã vươn mình mạnh mẽ. Người dân vô cùng phấn khởi khi thấy địa phương từ gian khó vươn lên phát triển như ngày hôm nay.
Theo Bí thư Thị ủy Phước Long Huỳnh Thị Thùy Trang, Phước Long sở hữu nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển kinh tế trong tương lai. Nơi đây, tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ đang phát triển mạnh mẽ. Hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, nhất là vào các ngành chế biến sâu như chế biến điều, gỗ, phát triển cây ăn trái, trồng hoa.
Phước Long còn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với núi Bà Rá hùng vĩ, lòng hồ thủy điện Thác Mơ thơ mộng, di tích lịch sử Nhà tù Bà Rá cùng khí hậu ôn hòa, phù hợp để phát triển dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng.
"Trải qua 50 năm, bài ca chiến thắng Phước Long như vẫn còn vang vọng trong ký ức của quân và dân nơi đây. Điệp khúc hành quân là hành trang để Đảng bộ, quân và dân trên địa bàn huyện tiếp tục xây dựng và phát triển, đưa địa phương trở thành một đô thị trẻ năng động, theo hướng "sinh thái, bản sắc, văn minh", thực sự trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh Bình Phước", bà Huỳnh Thị Thùy Trang nhấn mạnh.
Với tinh thần quật cường, ý chí tự lực tự cường, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phước Long nỗ lực không ngừng, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từ những chiến tích anh hùng trong chiến tranh, Phước Long ngày nay đang viết tiếp những trang sử mới - trang sử của sự phát triển và hội nhập..