Chiều 5/8, bên hành lang kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trao đổi với phóng viên một số nội dung xung quanh việc triển khai dự án xây dựng điện hạt nhân của đất nước.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trả lời phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội. |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản là một bài học lớn để từ đó chúng ta xem xét dự án điện hạt nhân một cách cẩn thận hơn; phải quan tâm đến tất cả các khuyến cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các tổ chức năng lượng nguyên tử trên thế giới. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải đánh giá lại toàn bộ hệ thống cảnh báo và nguy cơ xảy ra động đất của dự án. Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu tất cả các cơ quan chức năng kiểm tra lại toàn bộ các tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng dự án điện hạt nhân.
Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, vì vậy chi phí cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dân cư là rất lớn, nên công tác kiểm tra đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng theo đúng quy chuẩn về động đất cần phải được thực hiện với yêu cầu chặt chẽ. Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan và UBND các địa phương phải đặc biệt chú trọng vấn đề này. Bộ Xây dựng trong quá trình kiểm tra các công trình xây dựng, dự án đầu tư mà phát hiện không đảm bảo tiêu chuẩn về chống động đất thì phải có biện pháp xử lý nghiêm, thậm chí là hủy dự án, đặc biệt đối với những công trình quốc gia như thủy điện với các hồ chứa nước để tránh những rủi ro xấu, gây thiệt hại nặng nề cho dân cư.
Phó Thủ tướng cho biết, đối với dự án điện hạt nhân, chúng ta mới đang ở giai đoạn chuẩn bị, đang tiến hành báo cáo nghiên cứu khả thi. Vì vậy, có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp thu các đánh giá, khuyến cáo về an toàn điện hạt nhân trên thế giới, áp dụng vào đánh giá dự án theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Sau sự cố Fukushima, tất cả các quốc gia trên thế giới đều rút kinh nghiệm trong công tác này. Tại thời điểm này, những giải pháp cho an toàn điện hạt nhân không còn là vấn đề của một quốc gia nữa mà đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu.
Tuy nhiên, việc chi phí đảm bảo an toàn cho dự án điện hạt nhân cũng trở thành một vấn đề cần phải nghiên cứu để dự án có tính khả thi. Song song với đó, trong quá trình nghiên cứu dự án, cũng hết sức chú trọng đến các giải pháp thay thế như phát triển điện gió, điện mặt trời… để phát huy mọi giải pháp đáp ứng nhu cầu về điện. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, tất cả các tính toán, thống kê đều cho thấy các giải pháp về điện tự nhiên chưa thể đáp ứng được nhu cầu so với điện hạt nhân. Ở Việt Nam, theo chiến lược phát triển điện quốc gia đến 2020 hoặc 2050 thì vẫn chưa có khả năng làm chủ được nguồn năng lượng điện sơ cấp. Những giải pháp như nhập khẩu thủy điện, hoặc than đều rất khó khăn.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, về mặt quan điểm, chỉ khi báo cáo nghiên cứu khả thi đánh giá là an toàn thì chúng ta mới triển khai dự án điện hạt nhân, còn lại chúng ta vẫn phải tiếp tục phát triển các nguồn năng lượng có khả năng thay thế điện hạt nhân. Song song với việc tăng cung về năng lượng thì việc sử dụng năng lượng theo một công nghệ mang tính tiết kiệm cao cũng hết sức được chú trọng và phải đẩy mạnh trong toàn dân để làm giảm nhu cầu về năng lượng. Hiện nay, Việt Nam đang phải sử dụng 20% về năng lượng cho 1 đơn vị GDP, vì vậy, cần phải tiết kiệm năng lượng nhiều hơn. Bởi vậy, hành động thực tế trong thời điểm này là làm thế nào để sử dụng điện tiết kiệm nhất, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Quang Vũ