Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, toàn tỉnh đã chi trả xong cho các nhóm đối tượng: Người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền hơn 125 tỉ đồng. Đối với các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, huyện, thành phố tham mưu triển khai hỗ trợ trong tháng 5/2020 và thực hiện xong trước ngày 30/6/2020.
Tại huyện Vĩnh Tường, UBND huyện cấp hơn 21 tỉ đồng, hỗ trợ gần 17.000 người bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Theo đó, 28/28 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Tường đã tổ chức hỗ trợ cho các đối tượng đúng, đủ, đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Trong đó, 3.395 người có công, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng được hỗ trợ hơn 5 tỉ đồng; hơn 8.000 người đang hưởng trợ cấp bảo trợ hàng tháng được nhận gần 12 tỉ đồng... Việc chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách giúp các đối tượng nhanh chóng khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, sản xuất và kinh doanh.
Vĩnh Phúc đã có công văn chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh tiếp tục rà soát, chi trả chế độ hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ nhằm đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, đúng chế độ, không để xảy ra trục lợi chính sách, phát huy hiệu quả của chính sách.
* Ngày 21/5, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định Hoàng Đức Trọng cho biết, địa phương đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục theo quy định để thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định, đến hết ngày 20/5, tất cả 10/10 huyện, thành phố của tỉnh đã có tờ trình và danh sách đề nghị thẩm tra 4 nhóm đối tượng là: người có công và thân nhân người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo đó, các huyện, thành phố đã có báo cáo gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị hỗ trợ cho khoảng 238.000 người, với số tiền ước tính 250 tỷ đồng. Sau khi danh sách, hồ sơ các nhóm đối tượng trên được Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phê duyệt, có kinh phí, các địa phương trong tỉnh sẽ triển khai ngay việc chi trả tiền hỗ trợ cho người dân.
Đối với các đối tượng: người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương do dịch COVID-19; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động phải ngừng việc do dịch COVID-19; hộ kinh doanh phải tạm ngừng kinh doanh do dịch COVID-19 và người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc do dịch COVID-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do dịch COVID-19…, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đôn đốc các huyện, thành phố, khu công nghiệp, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ rà soát, lập danh sách, thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh Nam Định xem xét, phê duyệt.
Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, đến ngày 20/5, các đơn vị này vẫn chưa nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp; các doanh nghiệp trên địa bàn đang tìm hiểu cách thức, quy trình lập, hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định cho biết, thực tế cho thấy, tại các địa phương, việc lập danh sách đề nghị hỗ trợ vẫn còn gặp lúng túng, chưa đúng với hướng dẫn. Một số địa phương vẫn còn tình trạng trùng diện hỗ trợ này với diện hỗ trợ khác; danh sách lập không đúng biểu mẫu quy định tại Quyết định 15; danh sách không đúng quy định, không xác định được chủ hộ hỗ trợ...
Để chính sách hỗ trợ của Nhà nước đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu, các địa phương, cơ quan chức năng đẩy nhanh việc rà soát, thống kê các đối tượng hỗ trợ, xác định chính xác, đảm bảo không trùng lắp, đáp ứng đầy đủ các điều kiện hỗ trợ theo quy định.
UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn tăng cường nhân lực phục vụ, bố trí bộ phận thường trực hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết nhanh hồ sơ, thủ tục, những ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tỉnh, các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ; không để xảy ra lợi dụng, trục lợi chính sách; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách hỗ trợ tại địa phương ngay từ đầu, đảm bảo công khai minh bạch, đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách.