Cụ thể, ngày 13/1, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản số 103/STNMT-KS&TNN đề nghị Công an tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Đức Trọng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và Công an huyện tổ chức kiểm tra, xác minh các nội dung theo thông tin từ các cơ quan báo chí phản ánh; giải tỏa, xử lý các tổ chức, cá nhân khai thác, chế biến vàng trái phép, không phép; xử lý các phương tiện, nguồn gốc khoáng sản tại bãi tập kết; xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp tại các xã Đà Loan, Đa Quyn và Tà Năng đều thuộc huyện Đức Trọng.
Cũng trong ngày 13/1, UBND huyện Đức Trọng có văn bản hỏa tốc số 97/UBND-VP chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, xã Đà Loan và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra thực tế, xác minh nội dung phản ánh của các cơ quan báo chí; kịp thời lập đủ hồ sơ, thủ tục xử lý theo quy định; báo cáo UBND huyện kết quả thực hiện trong tháng 1/2022.
Trước đó ngày 24/12/2021, phóng viên TTXVN tại Lâm Đồng có bài viết: “Lâm Đồng: Tiếp diễn tình trạng khai thác quặng vàng trái phép”, phản ánh tình trạng ở vùng “K” thuộc các xã Tà Năng, Đa Quyn của huyện Đức Trọng tiếp diễn tình trạng khai thác vàng trái phép từ nhiều năm nay. Tại thôn Chơ Rén, xã Đạ Quyn, phóng viên chứng kiến 4 xe máy múc hiệu Kobelco đang đào bới tại hiện trường một hố sâu từ 12-15m, rộng khoảng 300m2. Một người dân tại thôn Chơ Rén cho biết các máy múc đất nhằm tìm quặng vàng. Sau đó, các xe ô tô vận chuyển đất đá có quặng vàng từ xã Đa Quyn sang xã Tà Năng để đãi quặng. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền các cấp nhưng tình trạng đào đất lấy khoáng sản vẫn chưa được xử lý triệt để.
Tại huyện Đức Trọng, tình trạng khai thác vàng trái phép đã diễn ra trong thời gian dài. Các đối tượng sử dụng máy móc công nghiệp khai thác giữa ban ngày, ngay tại khu vực đông dân cư và gần đường giao thông liên xã. Dư luận cho rằng có sự "bảo kê" nên các đối tượng mới có thể tổ chức khai thác khoáng sản trái phép công khai với quy mô lớn như vậy.