Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã chỉ ra những chuyển biến tích cực, kết quả đạt được trong năm 2023. Trong đó, Bộ đã quan tâm mạnh mẽ hơn tới phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lần thứ nhất đã diễn ra thành công, làm cơ sở cho việc đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chiến lược mới về phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới...
Các đại biểu ở địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực nhằm làm rõ hơn những vấn đề, đề xuất giải pháp liên quan đến công nghiệp văn hóa ở cơ sở.
Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Sở đang tham mưu thành lập Trung tâm Phát triển Công nghiệp văn hóa. Đây là nhân tố quan trọng tham gia dẫn dắt thị trường văn hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa còn đang bỏ ngõ, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Thời gian qua, các dịch vụ văn hóa ngày càng được định hình, tạo thành sản phẩm mang tính đặc thù, tạo ra giá trị kinh tế, giá trị tư tưởng, thẩm mỹ để công chúng tiếp nhận, tiêu thụ. Tuy nhiên, việc làm này là mô hình mới, đòi hỏi sự chặt chẽ nhưng không quá thận trọng để mất đi những “cơ hội vàng” trong lĩnh vực công nghiệp giải trí, sáng tạo.
Năm 2024, Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có chỉ tiêu: “Mỗi người dân TP Hồ Chí Minh được hỗ trợ hướng dẫn tập luyện miễn phí chương trình cơ bản ít nhất 1 môn thể dục thể thao, 1 loại hình nghệ thuật; được miễn phí vào tham quan các bảo tàng công lập trực thuộc Sở; miễn phí xem các chương trình nghệ thuật do đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở tổ chức nhân các ngày kỷ niệm, sự kiện của Thành phố, đất nước...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nêu rõ: Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo có ý nghĩa quan trọng. Tỉnh đã xác định lấy đây là hướng đột phá nhưng đây cũng là công việc đầy khó khăn, phức tạp. Ông cho rằng cần phải thống nhất nhận thức về những vấn đề nằm giữa các lằn ranh có quan điểm khác nhau, làm cản trở việc chỉ đạo tổ chức thực tiễn, nhất là giữa phát triển các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng thụ bậc cao với nhu cầu giải trí phổ thông đại chúng; phục dựng, bảo tồn di sản và cổ trang hóa phục vụ cho phát triển công nghiệp văn hóa; duy trì, bảo tồn nguyên trạng di sản và nguồn lực hóa, tài sản hóa di sản cho phát triển du lịch.
Đặc biệt, cần tạo những đột phá về cơ chế thúc đẩy tài sản hóa các di sản, phát triển kinh tế thương hiệu, bảo vệ giá trị tài sản vô hình, hoàn thiện cơ chế tín dụng phù hợp gắn với định giá tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai. Việc này nhằm tháo gỡ nút thắt cho các nhà đầu tư có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa mà không thể lượng giá, thế chấp như các tài sản hiện vật; cần mở rộng phạm vi danh mục đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa (PPP).
Năm 2023, ngành văn hóa đã chủ động rà soát các “khoảng trống” trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu đề xuất Chính phủ, Quốc hội nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước thông qua công cụ pháp luật. Đồng thời “khơi thông” nguồn lực, “kiến tạo” sự phát triển - điểm nhấn quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đang được xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Công tác ngoại giao văn hóa được triển khai tích cực, Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 với số phiếu rất cao. Hội An, Đà Lạt chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. 11 chương trình chính trị nghệ thuật trong khuôn khổ 5 chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; 6 chương trình Tuần Văn hóa, Lễ hội du lịch và văn hóa tại nước ngoài đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, an toàn với nền văn hóa đặc sắc tới bạn bè quốc tế...