Cách ly 14 ngày đối với người đến, trở về từ vùng dịch của Hàn Quốc

Sáng 24/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Chú thích ảnh
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Giảm khoảng 60% số chuyến bay đi đến Hàn Quốc

Theo báo cáo của Bộ Y tế, số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc tăng nhanh với 602 trường hợp, tập trung chủ yếu tại thành phố Daegu và khu Bắc Gyeongsang Hàn Quốc. Với số người nhiễm bệnh cao thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, chính phủ Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo lên mức cao nhất. Thành phố Daegu là thành phố lớn thứ 4 của Hàn Quốc, tại hai khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang Hàn Quốc có 26.787 công dân Việt Nam sinh sống. Do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam thông qua các chuyến bay từ thành phố Daegu sẽ rất lớn nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt.

Liên quan đến thông tin các chuyến bay, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, đến thời điểm hiện tại, 4 hãng hàng không của Việt Nam (bao gồm: Bamboo Airways, Vietjet Air, Jetstar Pacific Airlines và Vietnam Airlines) khai thác 14 đường bay từ Cam Ranh, Đà Lạt, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đi đến Busan, Incheon, Jeolla-Nam, Gangwon, Cheongwon-gu và Daegu (Hàn Quốc) với tổng tần suất 182 chuyến/tuần/chiều. 8 hãng hàng không Hàn Quốc khai thác 10 đường bay từ 4 thành phố là Busan, Incheon, Daegu và Jeolla Nam đi đến Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với tổng tần suất 381 chuyến/tuần/chiều. Hiện có hai hãng hàng không đang khai thác đi đến Daegu (mã hiệu TAE): Vietjet Air khai thác đường bay TAE-DAD với tần suất 7 chuyến/tuần/chiều; Tway Air của Hàn Quốc khai thác 2 đường bay từ Daegu đi/đến Đà Nẵng, Cam Ranh với tổng tần suất 14 chuyến/tuần/chiều (mỗi đường 7 chuyến/tuần/chiều).

Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, hiện nay tất cả các hãng đều giảm khoảng 60% số lượng chuyến bay đi đến Daegu nói riêng và đến Hàn Quốc nói chung. Trong hai ngày 23-24/2, mỗi ngày chỉ có khoảng 50 hành khách bay và có xu hướng tiếp tục giảm. Cùng với khuyến cáo của chính quyền Hàn Quốc, người dân Daegu không nên ra ngoài trong 2 tuần tới, ngành Hàng không Việt Nam dự báo đến hết ngày 24/2 không có khách đi lại nên từ ngày 25/2 sẽ không có chuyến bay từ Daegu, Hàn Quốc đến Việt Nam và ngược lại. Đặc biệt, theo quy định, hành khách nhập cảnh từ Hàn Quốc tại tất cả các cửa khẩu phải khai báo y tế bắt buộc từ 15 giờ ngày 23/2/2020; khách từ Daegu, Hàn Quốc khi đến Việt Nam phải thực hiện cách ly 14 ngày như đối với các tỉnh có dịch ở Trung Quốc.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, hiện có khoảng 200.000 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc, trong đó có 26.787 người tại Daegu và khu Bắc Gyeongsang. Người Việt Nam tại Daegu và khu Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc vẫn đi làm bình thường, không ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, để hỗ trợ người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc phòng, chống dịch bệnh, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc chủ động liên hệ với các cơ quan đối tác như Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Tư pháp Hàn Quốc... cập nhật thông tin liên quan đến chính sách, quy định đối với người lao động nước ngoài về nhập cảnh: quy định không xử phạt cư trú bất hợp pháp khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế nếu có các triệu chứng lây nhiễm; quy định kéo dài thời gian làm việc thêm 50 ngày đối với những lao động có hợp đồng…

Đồng thời, các cơ quan chức năng liên tục theo dõi, cập nhật thông tin liên quan đến dịch trên các phương tiện truyền thông để chủ động cung cấp thông tin đến người lao động qua các kênh như Văn phòng Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, đại diện doanh nghiệp tư vấn tại các trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài, trang thông tin điện tử của người Việt Nam tại Hàn Quốc, các chi hội người Việt Nam ở các địa phương… Các cơ quan chức năng thiết lập, kết nối các đầu mối liên lạc tại trung tâm Daegu và khu Bắc Gyeongsang để cập nhật thông tin, lập đường dây nóng liên lạc trực tiếp; theo dõi tình hình sức khoẻ người lao động và có các biện pháp hỗ trợ trong những trường hợp cần thiết.

Thực hiện khai báo y tế với người nhập cảnh từ Hàn Quốc từ 23/2

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tại cuộc họp, các chuyên gia y tế Việt Nam cho biết, ngày 23/2, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Park Neung-hoo khẳng định, Hàn Quốc có các hệ thống y tế, chuyên gia và công nghệ tiên tiến, có khả năng đối phó với dịch COVID-19. Để đối phó với sự lây lan, Chính phủ Hàn Quốc sẽ lập một trung tâm xử lý dịch COVID-19 do Thủ tướng Chung Sye-kun đứng đầu. Mặc dù sự lây lan của virus SARS-CoV-2 dự kiến sẽ tiếp diễn, song, Chính phủ Hàn Quốc tin tưởng, sự lây lan của dịch COVID-19 sẽ được kiềm chế hoàn toàn.

Với cơ sở trên, các chuyên gia y tế Việt Nam nêu rõ, việc hạn chế nhập cảnh, cách ly những người đến từ vùng có dịch Daegu và khu Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc vào thời điểm này là phù hợp. Đối với công dân Việt Nam, người lao động, các cô dâu lấy chồng Hàn Quốc... nên thực hiện nghiêm các khuyến cáo, hướng dẫn y tế của chính quyền nước sở tại.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố  đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan áp dụng tờ khai y tế đối phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, đối tượng phải khai báo y tế là hành khách nhập cảnh từ Hàn Quốc tại tất cả các cửa khẩu, bắt đầu từ 15 giờ, ngày 23/2/2020.

Theo đó, kiểm dịch viên y tế làm thủ tục nhập cảnh có trách nhiệm chỉ dẫn hành khách đến bộ phận kiểm dịch y tế để điền vào tờ khai y tế khi làm thủ tục nhập cảnh đối với hành khách từ Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như ho, sốt, khó thở, viêm long đường hô hấp…, kiểm dịch viên y tế cần áp dụng các biện pháp kiểm dịch y tế theo quy định (đưa vào khu vực cách ly, khám sàng lọc và báo cáo kịp thời với các cơ quan hữu quan).

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (có hoạt động kiểm dịch y tế) cần tổ chức in và cấp phát tờ khai y tế bảo đảm chất lượng và đủ về số lượng cho hành khách thực hiện khai báo y tế. Tờ khai báo y tế tại các cửa khẩu được cung cấp miễn phí.

Đồng thời, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm kiểm tra việc khai báo y tế của hành khách; đóng dấu xác nhận vào tờ khai y tế và lưu trữ tờ khai y tế theo quy định.

Theo đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các Bộ đã có ý kiến, chỉ đạo đến các cơ quan chức năng tại Hàn Quốc như Đại sứ quán, cơ quan quản lý lao động Việt Nam... yêu cầu người lao động, công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của cơ quan nước sở tại. Đặc biệt, nhận định với hệ thống y tế phòng, chống dịch thuộc nhóm các nước đứng đầu thế giới và đã có kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh nguy hiểm như dịch MERS-CoV năm 2018 của Hàn Quốc, các chuyên gia y tế và thành viên Ban Chỉ đạo khuyến nghị, trong thời điểm hiện tại, công dân Việt Nam không nên trở về nước; những trường hợp về Việt Nam phải thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt tình hình; không chủ quan, luôn luôn sẵn sàng các tình huống mới; thực hiện kịp thời, chủ động công tác phòng, chống dịch. Trước diễn biến tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục cập nhật, hoàn thiện các phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống, diễn biến của dịch bệnh do virus SARS-CoV-2, bổ sung kịch bản thu dung và điều trị với số lượng người nhiễm bệnh lớn hơn.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 13/2 đến nay, Việt Nam không ghi nhận các trường hợp mắc mới.  Tính đến ngày 23/2, tất cả 16 trường hợp mắc bệnh đã được điều trị khỏi. Cụ thể, 11 bệnh nhân điều trị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Thanh Hóa đã khỏi bệnh và được xuất viện. Tại Phòng khám đa khoa Quang Hà, Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, 4 bệnh nhân đã khỏi bệnh; 1 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính, hiện đang theo dõi thêm một số ngày đảm bảo an toàn trước khi ra viện. Hiện còn 32 trường hợp đang nghi ngờ, được theo dõi, cách ly. Tổng số mẫu xét nghiệm 1.263 ca và 6.470 trường hợp tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.

Diệp Trương (TTXVN)
Những tấm gương tiêu biểu ngành y tế Việt Nam
Những tấm gương tiêu biểu ngành y tế Việt Nam

Trong thời đại Hồ Chí Minh, ngành y tế Việt Nam không ngừng lớn mạnh và đạt nhiều thành tựu với nhiều tấm gương thầy thuốc tiêu biểu về y đức và tài năng, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; tạo dựng vị thế của y khoa Việt Nam mang tầm quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN