Các địa phương sẵn sàng ứng phó bão số 7

Lãnh đạo tỉnh Nam Định và các đơn vị chức năng của tỉnh đã về các địa phương cùng với người dân chuẩn bị các phương án ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão.

Tàu thuyền neo đậu tại thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu (Nam Định). Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Do ảnh hưởng của bão, từ chiều đến tối 18/10 tại Nam Định, nhiều nơi đã có mưa, khu vực ven biển gió đã mạnh dần lên cấp 4, cấp 5, biển động mạnh.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, đến tối 18/10, toàn bộ hơn 2.000 tàu thuyền của tỉnh Nam Định đã vào nơi neo đậu an toàn. Hơn 880 lều chòi với gần 1.000 lao động trông coi ngao và nuôi trồng thủy sản ven biển cũng đã vào nơi an toàn. Nam Định đã thu hoạch trên 48.680 ha lúa, đạt khoảng 63% tổng diện tích lúa mùa toàn tỉnh.

Dự kiến, trong ngày 20/10, các địa phương trong tỉnh sẽ thu hoạch xong các diện tích lúa chín. Đối với những diện tích lúa gieo cấy lại do ảnh hưởng của bão số 1 hiện còn xanh, các địa phương có phương án tiêu thoát nước chống úng ngập ảnh hưởng đến năng suất lúa.

Tại huyện Giao Thủy, một trong 3 huyện ven biển của tỉnh Nam Định, thường xuyên hứng chịu thiệt hại nặng do mưa bão. Rút kinh nghiệm những cơn bão trước, không để bị động, bất ngờ, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tính chủ động trong phòng chống bão cho nhân dân; đồng thời huy động các lực lượng tham gia ứng trực sẵn sàng ứng phó với bão.

Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy Mai Thanh Long cho biết, huyện đã phân công các đồng chí lãnh đạo về các xã, thị trấn phối hợp cùng với lãnh đạo địa phương và nhân dân chống bão. Lực lượng chức năng các xã, thị trấn chuẩn bị phương án ứng phó với các tình huống do mưa lũ gây ra; rà roát các điểm đê, kè xung yếu, xây dựng phương án di dời 1.400 nhà tạm, nhà yếu và 3 khu dân cư ở ngoài đê vào nơi an toàn khi cần thiết..

* Trước thông tin cơn bão số 7 đang nhanh chóng tiến vào đất liền và Hải Dương có khả năng nằm trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, hiện nay Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã khẩn trương triển khai các biện pháp kịp thời ứng phó.

Sáng 18/10, không khí thu hoạch lúa trên các cánh đồng ở huyện Ninh Giang rất tất bật. Ông Hà Đình Hiệp (thôn Đen, xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang) cho biết: “Nhà tôi cấy 7 sào lúa mùa. Nếu thời tiết thuận lợi, chúng tôi dự tính ngày 20/10 bắt đầu gặt. Tuy nhiên trước thông báo về cơn bão số 7, trong ngày 17/10, tôi đã thuê máy gặt và gặt cả ngày lẫn đêm, đến trưa 18/10 thu hoạch xong”.

Đây cũng là dịp bận rộn của các chủ cơ sở cho thuê máy gặt đập liên hợp. Ông Đào Văn Điển (xã Tân Hương, huyện Ninh Giang) cho biết tổ máy gặt của ông trong hai ngày nay làm không hết việc, huy động 6 máy gặt đập liên hợp các nơi về phục vụ bà con nhân dân 5 xã lân cận đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa chạy bão. Chỉ trong ngày 18/10, hơn 50 hộ gia đình đã gọi điện đến thuê máy gặt.

Còn tại Vạn Phúc - xã có 245 ha lúa mùa, đến nay đã thu hoạch được khoảng 70%. Ông Phạm Trung Nhoáng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vạn Phúc cho biết, xã phấn đấu muộn nhất sáng 19/10 là gặt xong. Với những công trình, lán lợp mái tôn, ngói brô-xi-măng, xã đã thông báo và yêu cầu nhân dân có biện pháp chằng chống để hạn chế thiệt hại, phát quang cành cây, hạn chế cây gãy đổ gây nguy hiểm. Xã huy động lực lượng dân quân tự vệ gồm 120 người sẵn sàng ứng cứu khi có tình hình nguy hiểm xảy ra với khu vực này.

Trong hai ngày 17 và 18/10, lãnh đạo huyện Ninh Giang và Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xuống các cơ sở kiểm tra, đôn đốc địa phương tích cực phòng chống bão.

Ông Bùi Minh Chương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Giang cho biết, vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo cấy 6.785 ha lúa và khoảng 300 ha rau màu. Sau khi nhận được công điện khẩn của tỉnh về phòng chống bão số 7, huyện đã có công điện cho các địa phương, đôn đốc bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; đến khoảng trưa 18/10 đã thu hoạch được 90% diện tích, phấn đấu thu hoạch trong ngày 17 và 18/10 cơ bản xong, kể cả phải gặt đêm.

Vụ lúa mùa năm nay, Hải Dương gieo cấy 59.621 ha. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, tính đến ngày 18/10, tiến độ thu hoạch lúa mùa của tỉnh đã đạt khoảng 90% diện tích.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị đôn đốc bà con thu hoạch nhanh lúa mùa; tạm dừng trồng cây vụ đông cho đến khi bão tan; tiêu, gạn nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng, lưu ý nạo vét kênh tưới tiêu, khơi thông dòng chảy cho diện tích rau vụ đông mới trồng; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện bơm tiêu úng.

Đối với các diện tích cây ăn quả, hướng dẫn nông dân cắt bỏ cành lá xum xuê, chằng buộc, vun đất vào gốc cây, be cao bờ vùng, nạo vét đầu rãnh để thoát nước nhanh. Mặt khác, chuẩn bị giống dự phòng cho rau vụ đông để kịp thời khôi phục sản xuất khi có thiệt hại do mưa bão; phân công cán bộ bám sát, tổng hợp kịp thời sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại (nếu có).

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã sớm có công điện gửi các huyện, thị xã, thành phố, các cấp, các ngành triển khai các phương án phòng chống bão.

Cùng với việc hướng dẫn nhân dân tập trung thu hoạch nhanh lúa mùa, bảo vệ cây vụ đông mới trồng, các vùng nuôi trồng thủy sản, bảo đảm an toàn cho các cơ sở nuôi cá lồng trên sông và các công trình nhà cửa xung yếu; các địa phương cần chú trọng kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập.

Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương, công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Công ty cổ phần quản lý công trình đô thị Hải Dương triển khai các phương án chống úng, ưu tiên các vùng lúa, rau màu, vùng trũng, các khu nuôi trồng thủy sản tập trung.

Thành phố Hải Dương chủ động phương án chống úng nội đô. Công ty TNHH MTV điện lực Hải Dương chủ động kiểm tra hệ thống công trình điện, ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ tiêu úng. Thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn triển khai phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn hồ đập, khu vực khai thác mỏ. Các đơn vị liên quan bố trí trực 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão để xử lý kịp thời các tình huống.

* Tối 18/10, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Lạng Sơn về công tác ứng phó với cơn bão số 7.

Nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 7, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi diễn biến bão số 7; chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, chủ động có phương án ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất… sơ tán dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao, gia cố, chằng chống nhà cửa và trực 24/24 giờ để cập nhật và xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cũng đã chỉ đạo Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Lạng Sơn, UBND các huyện, thành phố chủ động kiểm tra và có phương án đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập, điều tiết, vận hành hợp lý vừa đảm bảo dung tích phòng lũ, vừa tranh thủ tích trữ nước đối với các hồ đã cạn kiệt; bố trí các lực lượng thường trực để theo dõi và vận hành đảm bảo an toàn cho các công trình hồ, đập; đặc biệt phải rà soát các công trình đang thi công, sửa chữa để có biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, vật tư, máy móc và công trình.

Nông dân xã Ninh Thành (huyện Ninh Giang) tất bật gặt lúa chạy bão. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh Lạng Sơn có 11 hồ chứa, chủ yếu tập trung tại huyện Cao Lộc, Lộc Bình và Đình Lập; đa số các hồ chứa đang ở mực nước dâng bình thường và thấp hơn mức nước dâng bình thường khoảng 50cm với tổng dung tích các hồ khoảng 60% dung tích thiết kế; tất cả các hồ đập đều đã được phát dọn mặt tràn, đảm bảo thông thoáng không ảnh hưởng đến thoát lũ khi mưa to.

Tuy nhiên, trong số đó có 3 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn được xác định từ trước mùa mưa bão là hồ chứa Bản Vàng, huyện Cao Lộc – cột nước 3,5/10m; Rọ Thin, huyện Bình Gia – cột nước 0/8 m và hồ Khuôn Pinh, huyện Hữu Lũng – cột nước 8,8/11,9m. Các hồ chức trên đã được các đơn vị quản lý, khai thác trực tiếp thống nhất với chính quyền địa phương tăng cường trực, theo dõi, chuẩn bị phương án ứng phó nếu có sự cố xảy ra.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao tinh thần chủ động của tỉnh Lạng Sơn trong việc ứng phó với cơn bão số 7; đồng thời đề nghị tỉnh cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến của cơn bão, trong đó đặc biệt quan tâm quản lý hồ chứa nhỏ do cấp xã, thôn quản lý, trong trường hợp mưa lớn cục bộ thì khả năng quá tải tại các hồ chứa này rất có thể xảy ra.

Vũ Văn Đạt, Thái Thuần (TTXVN)
Giảm thiếu tối đa các thiệt hại do bão số 7 gây ra
Giảm thiếu tối đa các thiệt hại do bão số 7 gây ra

Ngày 18/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 7 tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN