Ngày 26/8, Đoàn công tác Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sĩ Cương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau về giám sát chuyên đề "Tình hình thực hiện các Điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là tổ chức thành viên".
Cà Mau là một trong ba tỉnh gồm: Cà Mau, Trà Vinh và Bến Tre nằm trong chương trình hoạt động giám sát của Đoàn công tác của Ủy ban Đối ngoại diễn ra từ ngày 25-29/8.
Báo cáo với Đoàn công tác về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã huy động nhiều nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ, vốn ngân sách của tỉnh, vốn doanh nghiệp... để đầu tư thực hiện nhiều dự án, công trình khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển.
Đến nay, Cà Mau đã xử lý khắc phục xói lở nhiều vị trí xung yếu ven biển với tổng chiều dài 28.765m có tổng mức đầu tư hơn 956 tỷ đồng. Nhờ những giải pháp tích cực và nỗ lực của địa phương nên đã tạo được bãi bồi phía bên trong, một phần phía bên ngoài kè, khôi phục nhiều héc ta rừng phòng hộ, góp phần bảo vệ đê biển và hạn chế kịp thời sạt lở có nguy cơ gây ra thiệt hại về tính mạng, tài sản, sản xuất, công trình hạ tầng, khu cơ quan hành chính, công trình giáo dục, y tế, khu dân cư, khu neo đậu tránh bão...
Tuy nhiên, vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng là mối đe dọa và thách thức lớn, trong đó khu vực ảnh hưởng nhiều nhất tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long mà tỉnh Cà Mau là vùng nguy hiểm. Tỉnh có đường bờ biển dài khoảng 254km, với ba mặt tiếp giáp biển, địa hình thấp so với mặt nước biển và là tỉnh duy nhất chịu tác động của cả hai chế độ thủy triều gồm nhật triều và bán nhật triều. Do đó, Cà Mau luôn chịu tác động rất mạnh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, dễ bị tổn thương trước diễn biến cực đoan của thời tiết, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn biến phức tạp, khó lường...
Thống kê của tỉnh từ năm 2007 đến nay cho thấy, diện tích rừng ven biển của Cà Mau bị mất đi do xói lở là khoảng 8.870 ha, nguy cơ vỡ đê biển Tây có thể xảy ra bất cứ lúc nào và đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của hàng trăm ngàn hộ dân vùng ven biển. Vấn đề nóng nhất là trong tổng chiều dài 57.000m bờ biển Tây bị xói lở thì có nhiều đoạn xói lở sâu gây nguy cơ phá vỡ đê biển; bờ biển Đông bị xói lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 48.000m, trong đó nhiều đoạn sạt lở sâu vào đất liền làm mất đất rừng phòng hộ từ 80 - 100m/năm. Hiện tại 23.400m bờ biển Đông đang bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm... Đây là những đoạn sạt lở nguy hiểm cần được Trung ương đầu tư khẩn cấp.
Khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển Cà Mau đang là vấn cấp thiết. Do vậy, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Đoàn công tác Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm ưu tiên đầu tư nguồn lực, có cơ chế, chính sách phù hợp để tạo thuận lợi cho tỉnh chủ động triển khai thí điểm hoặc nhân rộng mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sĩ Cương chia sẻ về những khó khăn của địa phương trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông ghi nhận rằng tỉnh có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống thiên tai, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển bằng nhiều giải pháp kể cả công trình và phi công trình.
Trước những kiến nghị của tỉnh về việc hỗ trợ vốn để triển khai các công trình cấp thiết liên quan đến đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển, xây dựng khu tái định cư, di dời dân cư khẩn cấp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sĩ Cương cho rằng nếu như đầu tư công trình kè chống sạt lở không đồng bộ thì sẽ gây nên sự lãng phí lớn. Do đó, Đoàn công tác sẽ đề nghị các bộ, ngành trung ương sớm nghiên cứu, đề xuất giải pháp thiết thực, hiệu quả và đảm bảo tính khoa học - kỹ thuật để giúp địa phương nâng cao hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Đặc biệt là quan tâm đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư các dự án, công trình xây dựng kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển, xây dựng khu tái định cư, di dời dân khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Song cho dù đầu tư công trình dân sinh hay công trình chống sạt lở, thoát lũ ... thì cũng cần tính toán kỹ đến việc đảm bảo cuộc sống, sản xuất gắn với văn hóa, phong tục, tập quán của người dân địa phương.
Đoàn công tác còn dành nhiều thời gian trao đổi với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành để làm rõ một số nội dung liên quan đến ‘‘Tình hình thực hiện các Điều ước quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên’’ giai đoạn 2009 - 2019, trong đó nhấn mạnh kết quả triển khai thực hiện các Điều ước quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu có tác động đến tỉnh; công tác hợp tác quốc tế; các biện pháp tổ chức, quản lý tài chính; công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn vận động, giáo dục nâng cao nhận thức về Điều ước quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu... Đồng thời, Đoàn công tác và tỉnh cũng đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong triển khai thực hiện các Điều ước quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên.
Các thành viên trong Đoàn công tác cũng yêu cầu tỉnh Cà Mau báo cáo bổ sung đậm nét, toàn diện về kết quả thực hiện các Điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng đánh giá thật kỹ tính liên kết, hiệu quả các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu; quan tâm lựa chọn, đề xuất mô hình công trình chống sạt lở phải phù hợp, mang tính hiệu quả lâu dài trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với công tác quy hoạch tổng thể của địa phương, phát triển kinh tế -xã hội, bảo vệ lãnh thổ quốc gia, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Việc áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình chống sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư phải dự tính ứng phó với tình trạng khẩn cấp như lốc xoáy, bão, sóng thần...
Trước đó, Đoàn công tác Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã đến khảo sát tuyến đê biển Tây, đoạn Đá Bạc - Sông Đốc thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.