Bức tranh nhiều màu sắc chống dịch COVID-19 ở Hà Nội

Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, hành chính, đối ngoại, văn hóa của cả nước, với dân số trên 8 triệu người. Vì vậy, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư trên địa bàn đã tác động rất lớn lên nền kinh tế, đời sống dân sinh và trật tự an toàn xã hội. Vậy, TP Hà Nội đã có những giải pháp, biện pháp gì để giúp đỡ người dân trong đại dịch?

Dịch ảnh hưởng nặng nề đến đời sống nhân dân 

Chú thích ảnh
Đại diện Công ty TNHH HAL Việt Nam nhận 220 “Túi An Sinh Công đoàn” của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, ngày 31/8. Ảnh: TTXVN phát

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua, nhất là trong tháng 8, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống của người dân Thủ đô, nhất là người nghèo, đối tượng được bảo trợ xã hội, người thu nhập thấp, người lao động ngoại tỉnh.

Theo đó, cùng với việc tăng cường phòng, chống dịch, thành phố đẩy mạnh công tác đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Với tinh thần chung tay cùng người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, thành phố đã cố gắng đưa nguồn lực hỗ trợ tới người dân trong thời gian sớm nhất, kịp thời chăm lo, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn.

Tính đến cuối tháng 8, thành phố đã quyết định hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội với kinh phí 230,3 tỷ đồng (đã thực hiện được 200,5 tỷ đồng).

Thành phố ban hành Chính sách hỗ trợ đặc thù cho 10 nhóm đối tượng quy định tại Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND thành phố với hơn 191.000 người có công, đối tượng được bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo với số tiền hơn 191 tỷ đồng (đã thực hiện chi trả cho hơn 107 nghìn người với số tiền trên 107 tỷ đồng).

Với tinh thần tương thân tương ái, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Liên đoàn Lao động thành phố và quận, huyện, thị xã đã huy động nhiều nguồn lực để cùng chung sức hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường rà soát, lập danh sách, chuẩn bị phương án sẵn sàng hỗ trợ cho người dân khi có nhu cầu.

Cũng trong tháng 8, thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho người nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay vốn, giúp tạo việc làm cho 180 lao động với tổng số tiền 8,6 tỷ đồng; quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho gần 7,3 nghìn người với số tiền 168,9 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề với số tiền 75 triệu đồng.

Nhiều quyết sách phòng, chống dịch

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế quận Hai Bà Trưng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ngõ 459 Bạch Mai, phường Bạch Mai, sáng 31/8. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Tại Hà Nội, tình hình dịch bệnh từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát do xuất hiện các ca F0 trong cộng đồng. Với biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh và tỉ lệ tử vong cao, để đảm bảo an toàn cho Thủ đô, sức khỏe của nhân dân là trên hết, chính quyền thành phố đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn thành phố từ ngày 24/7 đến ngày 6/9 để phòng, chống dịch.

Tính từ đầu dịch đến chiều 31/8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.777 ca mắc COVID-19.

Thành phố đang tập trung mọi nguồn lực, bằng mọi biện pháp, tận dụng tối đa “thời gian vàng” các ngày giãn cách xã hội nhằm thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. Qua đó, đảm bảo an toàn, kết hợp với các hoạt động xét nghiệm truy vết, đánh giá nguy cơ lây nhiễm để trong thời gian ngắn nhất bóc tách triệt để các F0, kiểm soát dịch bệnh không để lây lan, bùng phát.

Ngày 30/8, trả lời phóng viên báo chí, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đánh giá, việc thực hiện giãn cách vẫn còn nhiều lơ là, mất tập trung. Vì vậy, thành phố đang chỉ đạo siết chặt quản lý, đề cao vai trò và tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cấp. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội kêu gọi người dân chung sức, đồng lòng cùng chính quyền để phòng, chống dịch.

Tăng cường chống tệ nạn xã hội 

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng lập hành rào phân luồng phương tiện, kiểm soát chặt người và phương tiện khi ra đường. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp chính quyền ngoài phòng, chống dịch bệnh cần tăng cường siết chặt quản lý xã hội, đặc biệt là đấu tranh, ngăn ngừa tệ nạn xã hội.

Theo số liệu từ Công an thành phố Hà Nội, số vụ vi phạm tình hình trật tự, an toàn xã hội, vi phạm quy định bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ trong tháng 8 trên địa bàn thành phố có chiều hướng giảm.

Trong tháng 8 có 203 vụ phạm pháp hình sự được phát hiện, giảm 17,5% so với tháng trước. Số đối tượng vi phạm bị bắt giữ là 300, giảm 11,2%. Lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 94 vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, giảm 53,7% so với tháng trước, số đối tượng phạm pháp là 112 đối tượng giảm 49,1%.

Trong lĩnh vực tệ nạn xã hội, tháng 8, lực lượng chức năng đã phát hiện 34 vụ cờ bạc; bắt giữ 161 đối tượng, giảm 10,5% số vụ so với tháng trước. Tổng số vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy bị phát hiện trong tháng là 189 vụ, giảm 57,1% so với tháng trước, bắt giữ 309 đối tượng, giảm 54,6%. Trong đó, xử lý hình sự 164 vụ với 226 đối tượng, giảm 56,1% về số vụ và giảm 53,4% về số đối tượng. Số vụ mại dâm bị phát hiện là 5 vụ, bắt giữ 8 đối tượng...

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
8 tháng, Hà Nội thu hút hơn 840 triệu USD vốn FDI
8 tháng, Hà Nội thu hút hơn 840 triệu USD vốn FDI

Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, trong tháng 8/2021, thành phố Hà Nội có 12 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 17,6 triệu USD. Bên cạnh đó, có 2 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 47 nghìn USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 7 lượt, đạt 1,1 triệu USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN