Cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin
Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh, trong năm 2017, cơ quan này đã tiến hành rà soát, đơn giản biểu mẫu, hoàn thiện quy trình trong tất cả các lĩnh vực thu, cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và hưởng thụ, trên cơ sở đó đã cắt giảm số thủ tục hành chính của ngành từ 32 thủ tục xuống còn 28 thủ tục; rút ngắn thời hạn cấp sổ bảo hiểm xã hội từ 20 ngày, thẻ bảo hiểm y tế từ 7 ngày xuống còn 5 ngày (riêng với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định), cấp lại thẻ bảo hiểm y tế không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày…
Triển khai Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, phấn đấu giảm thời gian nộp bảo hiểm xã hội xuống còn 49 giờ; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả quản lý các quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; phấn đấu đến hết năm 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp sẽ được cung cấp ở mức độ 3. Đặc biệt, cho phép triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 bằng phương thức sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng.
Hiện tại, ngành đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ, góp phần rút ngắn thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Đến tháng 6/2018, đã có trên 236 nghìn đơn vị đăng ký giao dịch điện tử; trên 2,4 triệu hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử; cấp sổ bảo hiểm xã hội cho 13,4 triệu người (đạt hơn 99% số người đang tham gia bảo hiểm xã hội), đã bàn giao cho người lao động 7,98 triệu sổ bảo hiểm xã hội; cấp 80,3 triệu thẻ bảo hiểm y tế, trong đó có 10,3 triệu thẻ bảo hiểm y tế được cấp theo mã số bảo hiểm xã hội, kết nối liên thông dữ liệu hộ gia đình với tỷ lệ đồng bộ mã số bảo hiểm xã hội của người tham gia đạt gần 99%.
Sau gần 2 năm đưa vào vận hành, Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát, giám sát thực hiện dịch vụ của các cơ sở y tế và người tham gia bảo hiểm y tế, là công cụ hỗ trợ đắc lực dùng để giám sát, cảnh báo những vấn đề bất thường; kịp thời ngăn ngừa tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế; minh bạch, tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh cho người dân; tiết kiệm thời gian, nhân lực…
Hệ thống này hiện đã kết nối tới gần 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ tuyến xã đến tuyến Trung ương. Đến cuối năm 2017 đã tiếp nhận hơn 166 triệu hồ sơ khám chữa bệnh điện tử đề nghị thanh toán; tỷ lệ kết nối liên thông và thực hiện giám định điện tử trên toàn quốc đạt 98%... 5 tháng đầu năm có 70,6 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tiếp nhận qua Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế điện tử…
Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh, cải cách hành chính không thể không gắn với công nghệ thông tin. “Chúng tôi xác định đây là nhu cầu tự thân”, bà nói và cho biết nếu không cải cách hành chính thì không bao giờ 2.500 cán bộ có thể giám định 170 triệu hồ sơ khám chữa bệnh một năm.
Bà Nguyễn Thị Minh cho rằng, “nếu không làm thì bản thân cán bộ cũng xin bỏ ngành và mình không hoàn thành nhiệm vụ”, dưới áp lực đó, Bảo hiểm xã hội quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác nghiệp vụ. “Chúng tôi yêu cầu hết tháng 7 ai trình lên bằng văn bản tôi không ký, phấn đấu bàn không có tài liệu nữa”, bà Nguyễn Thị Minh cho biết.
“Chảy máu” nguồn nhân lực
Băn khoăn về vị trí việc làm, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Nội vụ rà soát lại vấn đề này. Câu chuyện bà đặt ra trong bối cảnh “chảy máu” nguồn nhân lực trong ngày đang ngày một tăng.
Con số được bà đưa ra là Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có 195 cán bộ, viên chức nghỉ việc. Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định gần đây cũng có 5 người xin nghỉ việc. Bác sỹ, dược sỹ cũng rải rác ra khỏi ngành, tìm đến ngành khác có điều kiện hơn. “Chúng tôi rất mong sớm có vị trí việc làm. Chúng tôi tinh gọn tối đa, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính nhưng phải làm thế nào cho anh em đỡ làm thứ 7, Chủ nhật. Đây là một thực tế, không biết còn bao nhiêu cháu xin nghỉ việc nữa”, bà bày tỏ.
Cho rằng phạm vi, đối tượng phục vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quá lớn, 86% dân số tham gia bảo hiểm y tế và 28% tham gia bảo hiểm xã hội, kết nối 63 tỉnh, thành phố với hơn 12.000 cơ sở khám chữa bệnh, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu rõ, không thể không ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính. Nếu không có quyết tâm chính trị cao, sự phấn đấu của lãnh đạo ngành thì không thực hiện được.
Đánh giá cao kết quả cải cách hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng các chính sách của ngành có liên quan đến con người, đến tổ chức, việc xây dựng thể chế phải hạn chế tối đa thủ tục, không đưa ra nhiều điều kiện để rào đón.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ghi nhận Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã mạnh dạn chọn điểm tựa xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người có trình độ, có năng lực, đặc biệt là về công nghệ thông tin. “Chúng ta nói Chính phủ điện tử, Chính phủ 4.0 là phải có con người 4.0. Nếu chúng ta đưa như thế thì tiêu chuẩn của cán bộ, công chức, viên chức phải là 4.0 mới được vào đây. Chúng ta xây dựng thể chế nào, công nghệ nào có người đó”.
Trong việc cải cách tổ chức bộ máy, ông cho rằng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có bước đi tích cực, thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương về tinh giản biên chế. Bộ trưởng cũng lưu ý bên cạnh việc sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế, phải cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và đặc biệt phải nghiên cứu mô hình quản lý.
“Không phải thấy đông quá chúng ta cứ giảm, quan trọng là mô hình quản lý nào phù hợp. Có mô hình quản lý mới xác định được vị trí việc làm. Biên chế có giảm hay không là ở chỗ này. Công nghệ 4.0 không phải là thất nghiệp, mất người đi đâu mà là giải quyết việc làm mới”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay.
Ông đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam bám sát tinh thần các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 khóa XII; tăng cường chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính, tiến tới Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ số; kết nối liên thông cơ sở dữ liệu Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; sắp xếp lại hệ thống Bảo hiểm xã hội; rà soát lại cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ.